TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Nhiều tình tiết phiên xét xử vụ AIC; phá đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng

A.Đ (T/H) Thứ tư, ngày 21/12/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nhiều tình tiết phiên xét xử vụ AIC; phá đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng; xét xử vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Xét xử vụ AIC: Bị cáo nào đang ở Mỹ gửi thư về tòa, xin xét xử vắng mặt?

Như Dân Việt đã thông tin: Tại vụ án AIC, có bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết gửi thư từ Mỹ về TAND TP.Hà Nội xin xét xử vắng mặt và chấp nhận mọi phán quyết trên cơ sở khách quan.

Xét xử vụ AIC: Bị cáo nào đang ở Mỹ gửi thư về tòa, xin xét xử vắng mặt? - Ảnh 1.

Đại diện Viện KS tại phiên xét xử vụ AIC. Ảnh: Đ.X

Thông tin trên được nêu sáng 21/12 tại phần thủ tục mở phiên tòa xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ"; "Đưa hối lộ" xảy ra tại Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Vụ án có 36 bị cáo gồm các ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Có 8 người bị cơ quan tố tụng xác định đang bỏ trốn có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC.

Cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành khai báo nhân thân tại tòa sáng 21/12. Clip: Gia Bình

Trong phần thủ tục, luật sư của ông Thành cho hay cựu Bí thư sức khỏe rất yếu, mong tòa cho ngồi trong phần công bố cáo trạng (dài 64 trang) và lúc xét hỏi.

Luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An cho hay, thân chủ của ông đang ở Mỹ và "không bỏ trốn". Ông Thuyết xuất cảnh từ tháng 4/2021, trước khi khởi tố vụ án.

Bị cáo Thuyết phải giám hộ cho con chưa thành niên đang học tại Mỹ nên không về và có lời trình bày gửi tòa án hôm qua (20/12). Trong đó, bị cáo này xin xét xử vắng mặt và chấp nhận mọi phán quyết dựa trên sự "khách quan, toàn diện, thấu đáo".

Xét xử vụ AIC: Bị cáo nào đang ở Mỹ gửi thư về tòa, xin xét xử vắng mặt? - Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án AIC. Ảnh: Đ.X

Về phần thủ tục, đại diện Viện kiểm sát cho rằng với các bị cáo sức khỏe yếu, tòa án nên cho ngồi khi xét xử, đề nghị này là "hợp lý và cần thiết".

Kiểm sát viên cũng đồng tình với các luật sư về việc cần xác định bị đơn dân sự trong vụ án. Phía công tố cho rằng vụ án có đồng phạm nên tất cả người liên quan đều có trách nhiệm bồi thường.

Trước ý kiến này, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng họ giữ quan điểm đòi AIC và các bị cáo trong vụ phải bồi thường, không yêu cầu đơn vị nào khác.

Sau hội ý, chủ tọa đồng ý yêu cầu cho một số bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu được ngồi.

Về ý kiến bị cáo Thuyết không bỏ trốn, xin xét xử vắng mặt và chấp nhận phán quyết, HĐXX thấy việc đề nghị đó là phù hợp nên chấp nhận. Ngoài ra: "HĐXX tiếp tục kêu gọi các bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để xét xử và hưởng khoan hồng".

Với bị đơn dân sự, HĐXX sẽ xác định và có thể thay đổi. Những người liên quan được yêu cầu tới tòa nhưng vắng mặt sẽ tiếp tục được triệu tập, có thể để cảnh sát dẫn giải nếu cần thiết.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC – doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.

Xét xử vụ AIC: Bị cáo nào đang ở Mỹ gửi thư về tòa, xin xét xử vắng mặt? - Ảnh 4.

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Đồng Nai tại phiên tòa vụ AIC. Ảnh: Đ.X

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp Trần Đình Thành (đã lên chức Bí thư Tỉnh ủy) và nhờ mời lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để "giới thiệu Công ty AIC" tham gia các dự án của tỉnh.

Xét xử vụ AIC: Bị cáo nào đang ở Mỹ gửi thư về tòa, xin xét xử vắng mặt? - Ảnh 5.

Bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (ngồi hàng đầu) tại phiên xét xử vụ AIC. Ảnh: Đ.X

Năm 2010, Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư nhưng gặp khó khăn nên Trần Đình Thành điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đề nghị "giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương".

Sau đó, ông Thành còn giới thiệu Phan Huy Anh Vũ với nhân viên của bà Nhàn, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế do doanh nghiệp này có khả năng và "có công xin vốn cho tỉnh".

Do vậy, khi dự án bệnh viện Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu dù dùng các báo giá nâng không lến từ 1,3 - 2 lần so với thực tế. Tổng cộng, nhóm doanh nghiệp của AIC trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng. 

Khởi tố 19 bị can trong đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng

Như Dân Việt đã thông tin: Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 19 bị can trong đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng.

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng ở Phú Thọ.

Ngày 21/12, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, sau một tháng ra quân đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 15/11 - 15/12), lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh chủ động tham mưu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn và tội phạm hình sự, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Theo đó, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ phạm pháp hình sự, lực lượng chức năng đã đấu tranh, làm rõ 24 vụ, việc; thu hồi tài sản bị thiệt hại gần 60 triệu đồng.

Phú Thọ: Triệt phá đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá bị đưa về cơ quan điều tra. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đáng chú ý, lĩnh vực tệ nạn xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 35 vụ với 159 đối tượng. Trong đó, tệ nạn xã hội liên quan đến mua, bán số lô, đề là 21 vụ, còn lại là cá độ bóng đá 14 vụ.

Đặc biệt, sau gần một tuần thực hiện chuyên án 1122B để đấu tranh với đường dây đánh bạc xảy ra trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, TP.HCM, Hải Phòng, Lâm Đồng..., đến ngày 13/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án với 19 bị can; làm rõ việc các đối tượng thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Xét xử vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Như Dân Việt đã đưa tin, hôm nay (21/12), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, Tây Hồ, TP.Hà Nội), Phạm Anh Tuấn (SN 1984, Tây Hồ, TP.Hà Nội) và các đồng phạm ra xét xử về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", quy định tại Khoản 3, Điều 189, Bộ luật Hình sự.

Cặp vợ chồng này và các bị cáo khác bị cáo buộc mở 8 công ty, quay vòng nguồn hàng nhằm mục đích vận chuyển trái phép hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để hưởng hoa hồng. Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định có sự liên quan của nhân viên các ngân hàng.

Nhân viên ngân hàng có vai trò thế nào ở vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài? - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Nguyệt tại phiên tòa xét xử vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài hôm nay. Ảnh: DT

Cụ thể, với Phan Ngọc Duy (SN 1982, TP.Hạ Long, Quảng Ninh, Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Móng Cái), Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1993, TP.Hạ Long, Quảng Ninh, phụ trách khách hàng doanh nghiệp), nhà chức trách nhận thấy họ đã hưởng lợi trong vụ án.

Sơn biết Nguyệt sử dụng pháp nhân các công ty để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài qua một ngân hàng chi nhánh Móng Cái. Sơn và Nguyệt thỏa thuận, để tiện cho giao dịch, làm thủ tục chuyển tiền trái phép cho các công ty của Nguyệt, Sơn trực tiếp liên hệ với một số người để nhận giấy A4 khống, ký đóng dấu sẵn của các công ty, nhận nội dung phụ lục hợp đồng, thay đổi đối tượng thụ hưởng qua email; nhận hồ sơ đề nghị thanh toán qua bưu điện. 

Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, Sơn được hưởng lợi số tiền 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu/1 triệu USD. Sơn bị cáo buộc hưởng lợi khoảng 70 triệu đồng. 

Với Duy, anh ta là người phê duyệt các hồ sơ thanh toán quốc tế cho 5 công ty do Nguyệt thành lập. Duy biết hồ sơ các công ty do Nguyệt gửi thanh toán qua một ngân hàng để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài do các công ty gửi hồ sơ thanh toán đều do Nguyệt là người liên hệ chuyển hồ sơ. 

Nguyệt và Duy thỏa thuận số tiền Duy được hưởng trên mỗi giao dịch là 500 nghìn đồng/1 triệu USD. Duy hưởng lợi khoảng 200 triệu đồng.

Nhân viên ngân hàng có vai trò thế nào ở vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài? - Ảnh 2.

Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án có nhân viên ngân hàng được hưởng lợi khi giúp các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài. Đáng chú ý là trường hợp 2 nhân viên của một ngân hàng chi nhánh Móng Cái, họ mới bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh phạt từ 4 năm 6 tháng tù và 5 năm tù vào cuối năm 2021 về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Ảnh: DT

Tại cơ quan điều tra, Sơn, Duy khai nhận hành vi phạm tội; lời khai của Sơn, Duy phù hợp với lời khai của Nguyễn Thị Nguyệt. Sao kê tài khoản xác định, Nguyễn Thị Nguyệt thông qua Sơn, Duy chuyển trái phép tổng số tiền 6,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Các nhân viên ngân hàng tiếp theo có liên quan là Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa, nhân viên ngân hàng Sacombank chi nhánh Móng Cái.

Theo cơ quan truy tố, khi nhận hồ sơ thanh toán quốc tế của 4 công ty gồm HTP, COEN, Phúc Linh, Hải Bối do Nguyệt chuyển. Thời gian đầu, 1 người là Phạm Hồng Hạo trực tiếp chuyển hồ sơ thanh toán cho Phương Anh, sau đó Nguyệt và Phương Anh thống nhất hồ sơ chuyển phát nhanh qua Viettel Post.

Hàng tháng, Nguyễn Thị Hà (1 bị cáo trong vụ án) chuyển từ 1 đến 2 lần hồ sơ, mỗi hồ sơ gồm 5 đến 7 bộ và khoảng 100 tờ A4 khống gồm đã đóng dấu treo công ty tại góc trên bên phải, đóng dấu treo công ty, ký tên giám đốc.

Phạm Việt Hùng (1 bị cáo trong vụ án) soạn phụ lục hợp đồng và lệnh chuyển tiền chuyển qua email cho Phương Anh. Phương Anh và Thu Hoa sao chép, in thành hồ sơ chuyển tiền. Nguyệt bồi dưỡng nhiều lần cho Phương Anh và Thu Hoa tổng khoảng 80 triệu đồng. 

Đến năm 2018, khi thực hiện chuyển tiền cho công ty Hải Bối của Nguyệt, do nghi ngờ các công ty của Nguyệt chuyển tiền trái phép nên Phương Anh và ngân hàng Sacombank đã dừng giao dịch.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Phương Anh, Thu Hoa chuyển tiền cho Nguyệt nhưng không biết chuyển tiền trái phép nên không xử lý.

Một nhân viên ngân hàng nữa cũng liên quan là Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên ngân hàng Mbbank chi nhánh Móng Cái. Người này được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Ngân nhận hồ sơ thanh toán quốc tế chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc xe khách.

Do Ngân là nhân viên ngân hàng TMCP Quân đội nên thẩm quyền xử lý hành vi của Ngân thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, do vậy Công an TP.Hà Nội tách tài liệu, chuyển đến Cục trên để giải quyết theo thẩm quyền. Đến nay, Ngân đã bị khởi tố bị cao về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".

Tiêu huỷ số lượng thuốc lá nhập lậu "khủng", trị giá khoảng 5 tỷ đồng

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 21/12, trước sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Công an huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) cùng đơn vị chức năng đã tổ chức tiêu hủy 785.955 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại tại khu bãi rác ở khu phố 4, thị trấn Đông Thành. Tổng giá trị tài sản hàng hóa trị giá khoảng 5 tỷ đồng.

Long An: Gần 800.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu xử lý tiêu hủy - Ảnh 1.

Tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu tại huyện biên giới Đức Huệ, Long An. Ảnh: Thiên Long

Công an huyện Đức Huệ cho biết, toàn bộ số thuốc lá ngoại này do lực lượng chống buôn lậu Công an bắt quả tang và quyết định tịch thu trong năm 2022. Thuốc lậu chủ yếu qua tuyến biên giới Đức Huệ và đa số là nhãn hiệu Jet và Hero.

Mỗi gói thuốc lá tiêu huỷ được Hiệp hội thuốc lá Việt Nam hỗ trợ 4.500 đồng/gói từ nguồn quỹ "Hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất thuốc lá giả".

Đại diện Công an huyện Đức Huệ chobiết, hiện huyện đang tiếp tục phối hợp cùng lực lượng chống buôn lậu của một số đơn vị triển khai các đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, nhất là trong các dịp lễ, tết Quý Mão 2022.

Ra quân cao điểm tấn công tội phạm, Công an Huế bắt giữ hàng chục tội phạm ma túy, trộm cướp

Như Dân Việt đã thông tin: Trong đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão, Công an thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) liên tiếp truy quét, bắt giữ, xử lý hàng chục đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản.

Ra quân cao điểm tấn công tội phạm, Công an Huế bắt giữ hàng chục tội phạm ma túy, trộm cướp

Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm của Công an thành phố Huế sẽ kéo dài đến hết ngày 5/2/2023 nhằm đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem