dd/mm/yyyy

Tin khẩn cấp: Bão số 14 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận sức gió giật cấp 12

Bão số 14 với sức gió giật cấp 12 dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung vào rạng sáng ngày 19.11, trong đó tâm bão sẽ hướng vào Khánh Hòa, Ninh Thuận. Các địa phương đang chủ động phương án ứng phó với bão.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 14, cập nhật lúc 23h ngày 18.11

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 22 giờ ngày 18.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Đến 10 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Cam pu chia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp sau đó tan dần trên khu vực Nam Cam pu chia.

Từ sáng sớm ngày 19.11, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Từ đêm 18.11, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).

Khánh Hòa gấp rút kêu gọi tàu thuyền và di dân

Được dự báo sẽ nằm trong tâm bão, tỉnh Khánh Hòa đang gấp rút ứng phó. Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để ứng phó cơn bão số 14 tỉnh đã kêu gọi và yêu cầu tất cả phương tiện về nơi tránh trú an toàn; đồng thời đã ban hành lệnh cấm biển vào 12 giờ trưa nay. Đối với các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản cũng đã yêu cầu vào bờ trước 16 giờ...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 14 tại Khánh Hòa

Tính đến chiều ngày 18/11, tỉnh Khánh Hòa có 210 tàu cá/ 1.238 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển.

Trong đó 32 tàu/214 thuyền viên hoạt động khu vực biển phía Nam Trường Sa ; 2 tàu/21 thuyền viên khu vực biển Hoàng Sa’ 7 tàu/72 thuyền viên hoạt động khu vực biển phía Nam và 169 tàu/931 thuyền viên hoạt động khu vực ven biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuân, Bình Thuận.

Riêng phương tiện hoạt động tại khu vực Trường Sa đã di chuyển xuống phía Nam Trường Sa, ở dưới vĩ tuyến 70 để tránh gió; số tàu cá còn lại đang di chuyển vào bờ và neo đậu tại bến.

Công tác sơ tán dân dự kiến tổng số người cần sơ tán là 6.352 hộ/ 22.604 người (trong đó Vạn Ninh 396 hộ, 1.250 khẩu; thị xã Ninh Hòa 135 hộ, 450 khẩu; TP. Nha Trang 2.216, 6.618 khẩu; Diên Khánh 818 hộ, 3.272; Cam Lâm 1.030 hộ, 3.935 khẩu; thành phố Cam Ranh 710 hộ, 2.689 khẩu, Khánh Vĩnh 1.012 hộ, 4.250 khẩu; Khánh Sơn 35 hộ, 140 khẩu) sẽ hoàn thành trước 19h00 ngày 18.11.

Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Công điện khẩn số 4640/CĐ-UBND, 4642/CĐ-UBND gửi các sở, ngành, huyện, thành phố yêu cầu dốc toàn lực ứng phó cơn bão số 14 và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 100% tổng số tàu thuyền 2.651 chiếc/16.474 lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được liên lạc, cảnh báo neo đậu và rút ra khỏi vùng nguy hiểm ảnh hưởng do bão.

Người dân Ninh Thuận chủ động ứng phó với bão số 14

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ sáng ngày 18.11.2017; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; công việc hoàn thành trước 21 giờ 00 phút ngày 18.11.2017.

Chủ động ứng phó, không được chủ quan

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1786/CĐ-TTg ngày 18.11.2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ.

Công điện nêu rõ: Bão số 14 đang tiếp tục mạnh lên và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, sáng sớm ngày mai (19.11) bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12, kèm theo mưa lớn.

Đồng thời, do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày tới tại các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng có mưa to đến rất to, nguy gây lũ lớn trên các sông suối, ngập úng vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại miền núi.

Theo dự báo, bão số 14 và mưa lũ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số địa phương vừa bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 và mưa lũ. Để chủ động ứng phó, tránh chủ quan, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo ứng phó quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.

Bình Minh