Nhóm học sinh Lào Cai sáng tạo ra cách giúp nông dân Hà Nhì tiêu thụ củ sâm đất Hoàng Sin Cô

Tuệ Linh - Mùa Xuân Thứ năm, ngày 07/04/2022 10:01 AM (GMT+7)
Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” của nhóm, em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã liên kết và giúp tiêu thụ ổn định củ Hoàng Sin Cô (sâm đất, sâm khoai) cho 70 hộ nông dân đồng bào người Hà Nhì ở huyện Bát Xát.
Bình luận 0

Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ ấn tượng với Dự án "Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ sâm Hoàng Sin Cô bản địa" của nhóm, em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai.

Lào Cai: Nhóm học sinh giúp nông dân Hà Nhì tiêu thụ củ Hoàng Sin Cô - Ảnh 1.

Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” của nhóm, em Nguyễn Minh Anh (thứ 2 từ phải sang), học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Ba cuộc thi Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ III. Củ Hoàng Sin Cô hay còn gọi là củ sâm đất, củ sâm khoai. Ảnh: NVCC.

Đây là Dự án đoạt giải Ba tại cuộc thi Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ III. Dự án sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn có sẵn tại Lào Cai kết hợp với củ Hoàng Sin Cô bản địa tạo ra sản phẩm phân phối đến hơn 2.500 học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường và một số nhà hàng, siêu thị trên địa bàn.

Lên ý tưởng từ chuyến trải nghiệm thực tế trồng sâm đất

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về ý tưởng thực hiện Dự án, em Nguyễn Minh Anh nhớ lại: Cách đây 2 năm, xuất phát từ một chuyến đi trải nghiệm thực tế tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đúng vụ thu hoạch củ Hoàng Sin Cô (hay còn gọi là sâm đất) của bà con đồng bào người Hà Nhì.

Qua tìm hiểu, Minh Anh và nhóm bạn biết được củ sâm đất Hoàng Sin Cô chỉ sinh trưởng ở những nơi có khí hậu lạnh và độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Nếu trồng dưới độ cao 1.500m thì sâm đất không có vị ngọt, dưới 1.000m thì cây không cho củ.

Vì đặc điểm này mà củ sâm đất Hoàng Sin Cô chỉ cho chất lượng tốt khi trồng tại các xã có độ cao từ 1.500m trở lên ở huyện Bát Xát. Tuy nhiên, bà con đồng bào nơi đây lại đang gặp khó khăn khi đồng loạt trồng củ này, ít có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng, nên bị thương lái ép giá, giá thành bán ra rất rẻ.

Với mong muốn nhiều người biết đến củ Hoàng Sin Cô - đặc Sản Lào Cai, cũng như tháo gỡ 1 phần khó khăn cho đồng bào người Hà Nhì, người Mông của huyện Bát Xát trong khâu tiêu thụ. Vì vậy, Minh Anh và nhóm bạn đã quyết định lựa chọn khởi nghiệp Dự án "Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa". Theo đó, Dự án gồm 2 sản phẩm chính là miến sâm và trà sâm.

Theo Minh Anh, ban đầu khi triển khai Dự án, nhóm gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, thời gian. Nhưng rất may mắn, nhóm nhận được sự ủng hộ, đồng hành của thầy cô trong nhà trường, sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình nên những khó khăn, vướng mắc dần dần được tháo gỡ.

Lào Cai: Nhóm học sinh giúp nông dân Hà Nhì tiêu thụ củ Hoàng Sin Cô - Ảnh 2.

Ngay sau khi đoạt giải Ba cuộc thi Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ III, Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” của nhóm học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Ba được tỉnh Lào Cai đánh giá rất cao. Ảnh: NVCC.

Hiện, Dự án đã tận dụng được nguồn khách hàng rất tiềm năng với hơn 2.500 học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường, từ đó lan tỏa sản phẩm từ củ sâm đất ra thị trường hiện nay như: các căng tin trong các trường học, nhà hàng Sen Biển, Asian, hay hệ thống các siêu thị tại Lào Cai.

"Với thông điệp "Dòng Sản phẩm kết tinh từ Ngọc Đất", chúng em rất vui khi đã mang đến những sản phẩm sạch, an toàn góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Điều mà chúng em thấy hạnh phúc nhất là với dự án này, chúng em đã trích một phần lợi nhuận vào công tác thiện nguyện để tiếp bước các bạn học sinh khó khăn đến trường; đồng thời giúp các hộ dân đồng bào người Hà Nhì, người Mông đảm bảo đầu ra ổn định cho củ Hoàng Sin Cô, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống", Minh Anh phấn khởi.

Tiêu thụ sâm đất, giải quyết bức xúc của nông dân

Cô Hoàng Thị Thanh Huyền, giáo viên hướng dẫn của Minh Anh và nhóm bạn thực hiện Dự án cho biết: Trong chuyến đi trải nghiệm thực tế tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát, Minh Anh và nhóm bạn nhận thấy củ Hoàng Sin hay còn gọi là sâm đất giống củ khoai lang được người Hà Nhì, người Mông thu hoạch bán với giá rất rẻ.

Bên cạnh đó, đến mùa thu hoạch củ sâm đất, học sinh đồng bào nơi đây lại nghỉ học để giúp gia đình khai thác làm sao cho kịp thời. Bởi củ sâm đất phải thu hoạch nhanh và bán đúng thời vụ mới không bị thương lái ép giá.

Theo cô Huyền, trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thì củ Hoàng Sin Cô có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù củ Hoàng Sin Cô trồng ở Trung Quốc to hơn nhiều so với trồng ở Bát Xá nhưng giá trị dinh dưỡng lại không cao.

Lào Cai: Nhóm học sinh giúp nông dân Hà Nhì tiêu thụ củ Hoàng Sin Cô - Ảnh 3.

Củ Hoàng Sin Cô hay còn gọi củ sâm đất trồng ở độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển ở Y Tý, Ngải Thầu đã hấp thu được những tinh tuý nhất của đất trời vì thế mà có giá trị dinh dưỡng cao nhất so với sâm đất trồng ở các vùng khác. Ảnh: Báo Lào Cai.

"Xã Y Tý, Ngải Thầu ở Bát Xát có độ cao từ 1.500m trở lên, không khí lạnh, đất pha cát; chính 3 yếu tố nào tạo ra củ sâm đất trồng ở đây có giá trị dinh dưỡng và vị khác hẳn so với sâm đất trồng bên Trung Quốc", cô Huyền nói.

Được biết, trong 3 năm triển khai thực hiện Dự án, cô Hiền và nhóm học sinh đã đưa sâm đất lên trồng thử ở những vùng khí hậu tương tự như huyện Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương. Tuy nhiên, chất lượng củ sâm đất trồng ở những vùng này vẫn không bằng trồng tại Y Tý, Ngải Thầu.

Lào Cai: Nhóm học sinh giúp nông dân Hà Nhì tiêu thụ củ Hoàng Sin Cô - Ảnh 4.

Không chỉ đam mê khởi nghiệp, em Nguyễn Minh Anh Nguyễn Minh Anh (áo sơ mi trắng), học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai còn liên tiếp 3 năm đạt học sinh giỏi. Ảnh: Tuệ Linh.

Từ những lý do trên, với mong muốn góp một chút sức lực giúp người dân yên tâm sản xuất; đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ sâm đất – loại sâm có giá trị dinh dưỡng cao khi được trồng ở Bát Xát; cô Hiền và nhóm bạn đã tiếp cận và liên kết với đồng bào người Hà Nhì nơi đây trong khâu chuyển giao kỹ thuật trồng và tiêu thụ sâm đất cho người dân, cũng như thực hiện Dự án đã lên ý tưởng trước đó.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sản phẩm miến sâm, cô Huyền và Minh Anh cho biết: Trong nhóm học sinh thực hiện Dự án có một bạn gia đình chuyên sản xuất miến gạo. 

Nhóm đề xuất, củ sâm đất tốt như vậy sao không thử ép ra nước trộn với tinh bột để làm miến sâm. Sau nhiều lần tự mày mò, trộn với tỷ lệ thích hợp đã tạo ra sản phẩm miến sâm có vị tươi, mát, ăn không cồn ruột như các loại miến khác.

Về sản phẩm trà sâm, nhóm mong muốn có nhiều sản phẩm từ sâm đất để tiếp cận người tiêu dùng; bởi vậy sau khi tìm hiểu, nhóm đã lấy hoa nhài, lá nếp ướp với sâm đất tạo ra một loại trà sâm cho vị rất thanh.

Cô Huyền cũng thật thà chia sẻ: Đây không phải là lĩnh vực cô và trò chuyên sâu, chỉ gọi là giúp các em được trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp. Sau khi đoạt giải, cô và trò đều mong muốn Dự án tiếp tục phát triển để tạo niềm tin cho bà con trồng sâm đất, mặc dù sản lượng Dự án đưa ra thị trường chưa được nhiều.

"Dự án "Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa" liên kết trồng và tiêu thụ với 70 hộ người Hà Nhì ở Y Tý, Ngải Thầu. Mỗi năm, Dự án giúp tiêu thụ trên 30 tấn sâm đất cho bà con với mức giá ổn định khoảng 10.000 đồng/kg.

Điều làm cô và trò vui nhất là Dự án này đã giúp giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn cuộc sống trong sản xuất nông nghiệp. Đó là tạo được đầu ra ổn định trong tiêu thụ củ sâm đất, giúp nâng cao thu nhập cho người dân", cô Huyền bảo vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem