Thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30/4

M.T Thứ bảy, ngày 22/04/2023 17:02 PM (GMT+7)
Đến với không gian của Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2 - 2023, khán giả trẻ sẽ được tương tác với các nghệ nhân, giao lưu và biểu diễn cùng với các nghệ sĩ...
Bình luận 0

Từ ngày 29/4 - 1/5, Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2 - 2023 sẽ diễn ra tại khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Đây là hoạt động được tổ chức với mong muốn bảo tồn và gìn giữ văn hoá nghệ thuật dân gian của dân tộc, đồng thời làm giàu thêm kiến thức về văn hóa nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.

Thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30/4  - Ảnh 1.

Những “nghệ nhân nhí” của ông Xén cũng là những mầm non đầu tiên được nhận học bổng từ Quỹ học bổng “Ươm mầm nghệ thuật” của Công ty TNHH Văn Phòng Festival.

Ông Bùi Xuân Đức, Trưởng phòng Tổ chức lễ và sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, chia sẻ: "Tôi rất vui mừng vì ban tổ chức đã quyết định chọn con đường khó để đưa văn hóa nghệ thuật dân gian đến gần với giới trẻ". 

Theo ông, ban tổ chức hoàn toàn có thể chọn hướng tiếp cận với những chương trình trẻ trung hơn, gần với xu hướng của xã hội hơn mà cũng vừa dễ dàng hơn trong việc kêu gọi những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ thêm. Dẫu vậy, Công ty TNHH Văn Phòng Festival đã chấp nhận vất vả khi quyết tâm giữ gìn những giá trị từ ngàn xưa để lại theo cách chấp nhận thử thách nhiều hơn. Nhưng nhờ vậy, liên hoan này không những mang thông điệp đầy ý nghĩa đến với giới trẻ mà vừa có thể hòa chung niềm hân hoan của cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30/4  - Ảnh 2.

Các nghệ nhân và ban tổ chức cùng tổng đạo diễn chương trình

Bà Lưu Thị Hồng Diễm, biên kịch – tác giả chương trình Lễ hội - đại diện đơn vị tổ chức công ty TNHH Văn Phòng Festival, là công ty xã hội hoá 100% kinh phí thực hiện liên hoan, chia sẻ: "Tôi cho rằng giới trẻ cần phải biết rõ gốc gác văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà trước hết là văn hoá nghệ thuật dân gian, trước khi tiếp cận những sản phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Khi giới trẻ vẫn còn chưa rõ nguồn gốc mà đã đưa cái mới vào, tôi sợ rằng họ sẽ tiếp tục hiểu chưa đúng về văn hóa nghệ thuật truyền thống". 

Tuy nhiên, để phù hợp hơn với thời đại, trong lễ khai mạc vẫn sẽ có tiết mục hấp dẫn mang tên "Cò lả - Thị Mầu". Khán giả sẽ thấy được những sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa mới và cũ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bình dân và bác học…

Ông Trần Văn Xén, truyền nhân duy nhất của môn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Tây Ninh, tự hào: "Năm 1969 tôi được học bộ môn này từ thầy là Phối Sư Thái Chia Thanh (Toà Thánh Tây Ninh). Từ đó đến nay, tôi đã đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều anh em cũng yêu thích môn múa trống Chhay-dăm để tạo ra những điệu múa mới mẻ, khác biệt". 

Thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30/4  - Ảnh 3.

Các tay trống sẽ trình diễn trong lễ hội

Sau nhiều năm ông Xén tìm tòi học hỏi, nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của Tây Ninh giờ đây đã phát triển không chỉ với những bài múa bộ nhất, bộ nhị, bộ tam, bộ tứ mà đã lên tới bộ ngũ (múa đơn, múa 2, múa 3, múa 4, múa 5) cùng những động tác khó hơn, mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thú vị và đẹp mắt. 

Tổng đạo diễn, NSND Vương Duy Biên cho biết: "Tất cả diễn xướng dân gian sẽ được thể hiện trên một không gian đậm đà bản sắc, mang đặc trưng của vùng đất mà tác phẩm ấy ra đời". Một số loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn trong Liên hoan lần này có thể kể đến như quan họ, chầu văn, chèo, hát bài chòi, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, múa Khmer Nam Bộ, Xoè Thái… 

Ông chia sẻ thêm: "Điều tâm đắc nhất của tôi là đưa được văn hóa dân gian ra Khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ - trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó mà giới trẻ hiện đại ngày nay, bạn bè thế giới đều có thể tiếp cận được với vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc ta".

Thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30/4  - Ảnh 4.

NNƯT Trần Văn Xén, truyền nhân duy nhất của môn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm (bìa phải)

Bên cạnh không gian của các sân khấu, khách tham quan còn có thể trực tiếp tham gia 17 trò chơi dân gian quen thuộc như ô ăn quan, nhảy dây, lò cò, banh đũa, cướp cờ, kéo mo cau…

"Chúng tôi muốn đưa nghệ thuật dân gian đến gần với công chúng, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của cha ông, góp phần giữ gìn cội nguồn dân tộc. Cũng hy vọng qua Liên hoan lần này, du khách quốc tế sẽ có dịp hiểu thêm về những giá trị đầy tự hào của đất nước và con người Việt Nam", NSND Vương Duy Biên chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem