Thực hiện IUU: Môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép sẽ bị xử lý hình sự

Khương Lực Thứ ba, ngày 13/07/2021 13:35 PM (GMT+7)
Ngày 13/7, Bộ NNPTNT đề xuất nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Một trong những giải pháp mạnh được đưa ra là trong năm 2021 sẽ khởi tố hình sự một số đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bình luận 0

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia IUU ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành địa phương thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để ngay trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay. Đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép sẽ bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) bán hải sản cho thương lái. (Ảnh: Dũ Tuấn).

Móc nối, đưa tàu cá, ngư dân khai thác trái phép sẽ bị xử lý hình sự

Trong năm 2021, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương mở đợt cao điểm để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước.

Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái… để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển có nguy cơ cao dẫn đến hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) phải đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển.

Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng trực thuộc tập trung tăng cường công tác điều tra, củng cố hồ sơ, trong năm 2021 khởi tố hình sự một số đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo Bộ NNPTNT, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn diễn biến phức tạp, các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục. 

Trong khi đó, vì lợi ích kinh tế cá nhân, một số ngư dân cố tình vi phạm hoặc qua môi giới, móc nối để đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Phải nỗ lực, quyết tâm hơn trong tháo gỡ thẻ vàng IUU

Ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo "Thẻ vàng" đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.

Từ năm 2012 đến nay, có 27 nước đã bị EC cảnh báo thẻ (trong đó: có 21 nước bị cảnh báo “Thẻ vàng” và 6 nước bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”). Đến nay, đã có 3 nước gỡ được “Thẻ đỏ”, 14 nước gỡ được “Thẻ vàng”, trong đó có 2 nước ở Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines.

Bộ NNPTNT

Khi bị cảnh báo "Thẻ vàng", 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Châu âu (EU). Trường hợp bị áp dụng biện pháp "Thẻ đỏ" thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. 

Theo Bộ NNPTNT - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, qua gần 4 năm chống khai thác IUU, gỡ "Thẻ vàng", phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra của EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU trong thực tế.

Cụ thể, đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA)…

Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 62 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài 66 vụ với số tiền hơn 34 tỷ đồng. Năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 13 tỷ đồng.

Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… 

Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.

"Một số chủ tàu khi bị xử phạt và tịch thu tàu đã không còn khả năng tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản, bên cạnh đó một số chủ tàu còn lâm vào cảnh vô cùng khó khăn vì không có khả năng để trả nợ ngân hàng tiền vay đóng tàu, nhà cửa, đất đai bị xiết nợ..." - lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết.

Trong những năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển đã giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động gián tiếp ven biển; đồng thời góp phần rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.

Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh covid-19, phía EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế; Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo phía EC kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị, trong đó năm 2020 đã tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với phía EC để trao đổi, thảo luận, giải trình và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá của phía EC về kết quả triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem