Thịt heo Brazil ồ ạt vào Việt Nam

22/01/2020 16:00 GMT+7
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, năm 2019, giá trị xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD, tăng 87%; xuất khẩu thịt gà đạt 24,5 triệu USD, tăng 16% so với năm 2018.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam đã có buổi làm việc với Hiệp hội thịt (gà, lợn) Brazil với mục đích xúc tiến việc trao đổi thương mại mặt hàng này giữa hai nước.

Tại buổi làm việc, hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thịt của Brazil đã bày tỏ sự quan tâm tới việc phát triển thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội thịt (lợn, gà) Brasil ông Ricardo Joao cho hay hiện Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh nhập khẩu tất cả các loại thịt từ Brazil do dịch bệnh cũng như thương chiến với Mỹ đã làm cho nguồn cung xuất khẩu thịt của Brazil giảm mạnh, kéo theo là giá cả các mặt hàng thịt tại nước này tăng tới trên 20%.

Thịt heo Brazil ồ ạt vào Việt Nam - Ảnh 1.

Năm 2019, giá trị xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD, tăng 87%.

Tuy nhiên theo ông Joao, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Brazil vẫn tiếp tục xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Việt Nam với mong muốn tiếp tục giữ vững và không đánh mất thị trường rất quan trọng ở khu vực châu Á.

Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, năm 2019, trị giá xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD, tăng 87%; xuất khẩu thịt gà đạt 24,5 triệu USD, tăng 16% so với năm 2018.

Hiện tại, Brazil có 66 nhà máy chế biến thịt các loại đã được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam nhưng chỉ có 18 nhà máy chế biến thịt lợn.

Với nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm thịt sang Việt Nam, các doanh nghiệp Brazil đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Brazil hỗ trợ liên hệ với các cơ quan chức năng của cả 2 nước đẩy nhanh quá trình xem xét và phê duyệt hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam của các doanh nghiệp đã đủ điều kiện.

Ngoài các vấn đề doanh nghiệp, thị trường, giá cả, Hiệp hội thịt Brazil cũng nêu quan ngại về mức thuế đang được áp dụng cho các sản phẩm thịt lên tới 10- 25%. Điều này làm giảm khá lớn tính cạnh tranh của thịt Brazil tại thị trường Việt Nam.

Hiệp hội và Thương vụ thống nhất, hai bên, dựa vào chức năng nhiệm vụ của mình cần tham vấn cho các cơ quan Chính phủ hai nước tìm kiếm các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại như các thỏa thuận song phương, chuyên ngành hoặc hai bên cần tiến tới đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu thịt Brazil vào Việt Nam, Công ty BRF (hãng sản xuất thực phẩm nối tiếng tại Brazil) thông tin thêm: Hiện có các đối tượng lợi dụng thông tin Brazil là nước sản xuất lớn các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật và nhu cầu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm này để lừa đảo trên mạng internet.

Hầu hết các hợp đồng mà các đối tượng lừa đảo đều lấy danh nghĩa các hãng sản xuất thực phẩm nối tiếng như BRF, JBS với các điều kiện rất lỏng lẻo, chất lượng hàng hóa rất cao và đặc biệt là giá thậm chí chỉ rẻ bằng 1/3 so với giá thị trường.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đều yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản trung gian tại Mỹ hoặc một số nước châu Phi.

BRF khẳng định hiện đã không còn giao dịch trực tiếp trên mạng internet mà thông qua hệ thống các đại lý nằm ở nhiều khu vực trên toàn thế giới. Thị trường Việt Nam do đại diện ở Singapore phụ trách.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cảnh báo các doanh nghiệp khi giao dịch với các đối tượng có các thông tin như kể trên, hoặc các dấu hiệu không minh bạch, khác biệt với thị trường khác thì cẩn thẩm tra kỹ về các đối tượng giao dịch, tuyệt đối không nên chấp nhận điều khoản thanh toán đặt cọc trả trước trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.

PV (t/h)
Cùng chuyên mục