Ông Đỗ Mạnh Hùng chăm sóc đàn hươu ăn tại trang trại nuôi hươu của gia đình ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Hải Đăng
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, triệu phú nuôi hươu ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình): Hươu là loài vật hoang dã nên việc thiết kế chuồng nuôi làm sao để vừa phù hợp với tập tính sinh sống của loài mà vẫn đảm bảo tính kinh tế và bền đẹp phù hợp với tình hình khí hậu Việt Nam thì không đơn giản.
Theo kinh nghiệm của ông Hùng, để thiết kế chuồng nuôi hươu, bà con cần tiến hành 5 bước sau:
1.Vị trí chọn làm chuồng nuôi hươu
Khi chọn vị trí làm chuồng, bà con cần chú ý chọn những nơi cao, thoáng mát. Do là động vật hoang dã nên khi xây chuồng bà con cần tránh những nơi có nhiều tiếng ồn như gần đường giao thông, công trường…
Hướng chuồng tốt nhất là hướng nam hoặc đông nam để điều hoà được tiểu khí hậu của chuồng nuôi.
2.Diện tích chuồng nuôi hươu
Để có chuồng đẹp và phù hợp với số lượng hươu nuôi, bà con cần tính toàn sao cho hợp lý. Theo tôi, đối với chuồng nuôi hươu đực phải đạt mỗi con trên 6m2 trở lên. Hươu cái có thể lớn hơn một chút để có thể giao phối ngay trong chuồng. Nhưng hiện nay thường làm chồng hai ngăn để tiện vệ sinh và phối giống. Chuồng hai ngăn này thường rộng khoảng là 12m2 trở lên.
3.Nền chuồng nuôi hươu
Khi làm chuồng bà con chú ý làm nền chuồng phải có độ dốc từ 1 – 2o và phải cao hơn vùng đất xung quanh 10 –15cm nền chồng có thể làm bằng xi măng láng nhám hoặc bằng đất nện chặt đều được.
Nền chuồng nuôi hươu phải có độ dốc để thoát nước. Ảnh HĐ
Có 2 phương án làm nền chuồng để bà con tham khảo:
- Nền đất nện: Đây là loại nền thông dụng có ưu điểm là chi phí ít. Nhưng trong một số trường hợp, hươu có thể đào bới, gây ra sự lồi lõm và tích nước tiểu, phân… làm ô nhiễm chuồng. Khi chưa có điều kiện làm nền gạch, nền đất nện chặt vẫn là loại nền thích hợp.
- Nền gạch: Đây là loại nền tốt nhất, việc đi lại sinh hoạt của hươu rất dễ dàng, không gây tích nước, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Trong điều kiện thiếu khoáng thì nền gạch cũng có thể bổ sung một phần, con vật liếm gạch để tăng khoáng cho cơ thể.
4.Mái chuồng nuôi hươu
Mái chuồng cần có độ dốc 30 – 400 là tốt. Đối với mái ngói là khoảng 15 – 200. Đối với tấp lợp lớn như fibrô xi măng, tôn… giọt mái bốn mặt, chuồng cần phải vươn ra cách róng chuồng từ 0,5 – 0,7m để đảm bảo che nắng, che mưa tốt.
5.Sân chơi cho hươu
Diện tích sân chơi lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào diện tích và điều kiện kinh tế của người nuôi. Tốt nhất, bình quân khoảng 50m2 /con. Hàng rào sân chơi phải chắc chắn, nên dùng lưới B40. Khi có gió, mưa to nên lùa chúng vào chuồng nhằm đảm bảo an toàn.
Trong sân chơi có thể tạo ra các bể tắm, với sườn dốc thoai thoải, độ sâu 40 – 50cm và có đá liếm để bổ sung các nguyên tố vi lượng. Trong khu sân chơi và quanh hàng rào nên có các cây có tán lá rộng để những trưa nắng, hươu có thể nằm nhai lại.
Những nơi khu chuồng nuôi hươu có sân chơi, vào những ngày nóng bức, nhất là những nơi có gió nóng tây nam, hươu thích ở ngoài khu sân chơi hơn vào chuồng. Mặt khác, sương, gió nhiều khi rất có lợi cho cuộc sống của chúng.
Trên đây là những kiến thức cơ bản để thiết kế chuồng nuôi hươu. Tùy vào điều kiện thực tế, bà con có những phương án hợp lý để giảm chi phí mà hiệu quả vẫn cao.