Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, đến lúc đầu tư chưa?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 22/07/2022 14:51 PM (GMT+7)
Khách du lịch quốc tế đang tăng mạnh, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm chuẩn bị triển khai, giúp hoàn thiện và đồng bộ toàn khu vực phía Nam… là những yếu tố giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khu vực này bước vào chu kỳ bứt tốc mới.
Bình luận 0
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, nhưng đã đến lúc đầu tư chưa? - Ảnh 1.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam. Ảnh: DQ

Tại Hội thảo "Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng" do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (22/7), các chuyên gia kinh tế, bất động sản đã nhấn mạnh rằng, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng nếu muốn "bứt tốc" thì phải sớm được tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp lý, thậm chí phải "hài hòa" lợi ích các bên thì mới bền vững.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang phục hồi tích cực

Dữ liệu từ DKRA Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được giới thiệu ra thị trường, tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.

Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9-40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhà phố và shophouse với 30-40%, biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11-28%, condotel là 9-15%.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, nhưng đã đến lúc đầu tư chưa? - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng cơ hội cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm cũng rất tích cực. Ảnh: DQ

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, nhận định, cơ hội của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang rất khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân là do đang có nhiều dấu hiệu tốt về phục hồi kinh tế như: GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%; gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có 1/3 gói tương đương 114.000 tỷ đồng chi cho phát triển cơ sở hạ tầng.

"Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc, giá bán sơ cấp tiếp tục tăng do chi phí đầu vào tăng…" - Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam.

Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch mà Chính phủ đề ra hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030, sẽ là những "xung lực" cho bất động sản nghỉ dưỡng.

"Về hạ tầng giao thông, Việt Nam đang được coi là đại công trường với nhiều dự án sắp hình thành. Ở TP.HCM và phụ cận có nhiều dự án sắp hình thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành. Ở Hà Nội và phụ cận có Metro số 3 (Hà Nội – Hoàng Mai), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4… Đây là những yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển "- ông Thắng cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế như nguồn vốn FDI tăng, xuất khẩu dương… đã trực tiếp tác động đến bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, nhưng đã đến lúc đầu tư chưa? - Ảnh 4.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển. Ảnh: QD

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng một vấn đề lớn sẽ tác động mạnh đến bất động sản nghỉ dưỡng là nguồn vốn – yếu tố đóng vai trò quyết định – thì năm nay đang gặp khó khăn. Cùng với đó, hoạt động du lịch quốc tế chưa hoạt động trở lại bình thường cũng là một rào cản lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

"Năm 2023 sẽ có một số xung lực tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng biển khu vực phía Nam. Có thể kể đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3. Đây có thể là các yếu tố để nhà đầu tư tham khảo khi quyết định đầu tư vào phân khúc này", ông Hiển chia sẻ.

Thị trường bất động sản "chuẩn chỉnh" hơn, nhưng vẫn cần... hoàn thiện

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, khoảng 80-90% thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo. Do đó, các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.

Theo ông Châu, bất động sản du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn, nhưng hành lang pháp lý của loại hình này vẫn chưa được chặt chẽ. Vì vậy, sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường này.

"Chúng tôi rất kỳ vọng bất động sản và ngành du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ thêm.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, nhưng đã đến lúc đầu tư chưa? - Ảnh 6.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: QD

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh, cần có các giải pháp để các khu bất động sản nghỉ dưỡng này hoạt động đúng mục tiêu là phục vụ du khách tốt nhất.

"Bất động sản nghỉ dưỡng song hành với nhu cầu phát triển du lịch, còn không làm được điều đó mà chỉ để nhà đầu tư trục lợi thì sẽ làm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bất ổn" - ông Hiển nhấn mạnh.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hết “ngủ đông”, nhưng đã đến lúc đầu tư chưa? - Ảnh 7.

Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: QD

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm.

Đầu tiên, bất động sản nghỉ dưỡng gắn bó trực tiếp với ngành du lịch. Ngành du lịch sẽ còn phát triển hơn trong thời gian tới, thúc đẩy ngành bất động sản nghỉ dưỡng đi lên.

Thứ 2 là vấn đề liên quan đến luật. Chính phủ cũng đang tìm cách tháo gỡ, có những quy định rõ hơn về bất động sản nghỉ dưỡng.

Thứ 3 là về vận hành. Bất động sản nghỉ dưỡng đã qua cái thời nhà đầu tư chỉ xây lên để bán được, mà bây giờ phải phát triển nghiêm túc, làm hài hòa lợi ích các bên.

"Phải cố gắng làm sao đạt sự hài hòa nhất giữa khách hàng - chủ đầu tư - đơn vị vận hành. Có như vậy thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới chuẩn chỉnh hơn, nghiêm túc hơn, đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển của ngành du lịch" – ông Thắng nói.

"Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường.

Tuy nhiên, sắp tới, Chính phủ cùng các bộ ngành cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các luật trong tổng thể hệ thống pháp luật để tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho thị trường bất động sản, bất động sản du lịch…" - ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem