Thanh Hóa: Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nuôi bò lai 3B, nông dân ngày càng khá giả

Hoài Thu Thứ ba, ngày 05/10/2021 19:21 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã giúp cho nhiều hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bình luận 0

Nuôi bò sinh sản – mô hình giảm nghèo bền vững

Ông Lê Văn Quyền (xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những nông dân điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vào đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản, bò lai 3B...

Ông Quyền cho biết, trước kia kinh tế gia đình ông chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Năm 2018, ông được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn từ Trung ương Hội cùng với vốn tự có của gia đình để đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Thanh Hóa: Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nuôi bò sinh sản, nông dân ngày càng khá giả - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Quyền vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: Hoài Thu

Để chăn nuôi đạt hiệu quả, ông cho phối giống bò cái nền với giống bò 3B. Theo ông Quyền, bê lai F1 3B sinh ra dễ nuôi, tạp ăn, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Khi mổ thịt bê lai F1 3B, chất lượng thịt thơm ngon, mềm, đạt tỷ lệ thịt khoảng 61-63%, trong khi các giống bò thịt khác chỉ đạt 38-40% do đó, giá thành cũng cao hơn.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, lại chăm chỉ làm ăn, đến nay, ông Quyền sở hữu đàn bò gồm 6 bò mẹ và 6 bê con. Tổng giá trị đàn bò của gia đình ông là trên 500 triệu đồng.

Trung bình mỗi năm bò đẻ một lứa. Trừ những con bê cái khỏe đẹp được ông giữ lại làm giống phát triển đàn, còn lại ông sẽ bán để lấy vốn tái đầu tư thêm một số cây trồng và vật nuôi khác phù hợp với điều kiện sản xuất. Tận dụng phụ phẩm từ phân bò, ông Quyền đã trồng thêm 200 gốc bưởi diễn và bưởi da xanh và cắt cỏ từ vườn bưởi cũng cấp thêm nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò.

Thanh Hóa: Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nuôi bò sinh sản, nông dân ngày càng khá giả - Ảnh 2.

Ông Quyền đã cho phối giống bò mẹ với giống bò 3B tạo con lai cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoài Thu

Bà Lê Thị Liên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Lộc cho biết, năm 2018, Dự án Chăn nuôi bò sinh sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương tạo điều kiện cho 10 hộ nông dân trên địa bàn vay với tổng vốn 500 triệu đồng trong thời gian 36 tháng (từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021).

Từ nguồn vốn hỗ trợ, hội viên, nông dân đã mua được 30 con bò theo hình thức nuôi bò cái sinh sản bán bê con, góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời cũng góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân trong xã từ phương thức chăn nuôi truyền thống chăn thả sang chăn nuôi theo phương thức khoa học.

Bà Liên cũng cho biết, trong thời gian tới, chi hội sẽ nghiên cứu kỹ thuật ủ cây ngô là nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò.

Thanh Hóa: Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nuôi bò sinh sản, nông dân ngày càng khá giả - Ảnh 3.

Bê sinh ra khỏe mạnh, tạp ăn, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, tốc độ sinh trưởng cao. Ảnh: Hoài Thu

Phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân

Vừa quan, Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã giải ngân nguồn vốn vay 500 triệu đồng cho 10 hộ thành viên Tổ hội nông dân nuôi cá nước ngọt thương phẩm thị trấn Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc), với chu kỳ vay 24 tháng.

Dự án nuôi cá nước ngọt thương phẩm được định hướng phát triển trên 6 ha, sản xuất 3 vụ, theo phương thức chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất có quy hoạch, khoa học và theo hướng hàng hóa để tạo vùng nuôi thả cho địa phương.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân thị trấn Hậu Lộc sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức tập huấn tiến bộ khoa học - kỹ thuật về nuôi cá nước ngọt thương phẩm, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để tổ viên đầu tư sản xuất có hiệu quả và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do Hội Nông dân huyện Hậu Lộc quản lý là 2,334 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương là 1 tỷ đồng, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là 500 triệu đồng, huyện là 60 triệu đồng và các xã, chi hội quản lý là 774 triệu đồng.

Thanh Hóa: Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nuôi bò sinh sản, nông dân ngày càng khá giả - Ảnh 4.

Mỗi năm ông Quyền thu về hơn 100 triệu đồng từ việc bán bê con. Ảnh: Hoài Thu

Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Hậu Lộc cho biết, để tăng hiệu quả các nguồn vốn, thời gian qua Hội Nông dân các cấp huyện Hậu Lộc đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân.

Trong quá trình bình xét cho vay, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.

Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Cán bộ Hội cũng thường xuyên đến các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên, góp phần đảm bảo việc hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích phát triển sản xuất hiệu quả, bảo toàn được vốn, không bị thất thoát, chiếm dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem