Thanh Hóa: Phát triển Chi, Tổ hội nghề nghiệp trồng cây, nuôi con đặc sản, nông dân vùng cao Quan Hóa nhanh khá giả

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 29/03/2022 15:40 PM (GMT+7)
Hội Nông dân huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã thành lập 12 Tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực như: nuôi gà đồi đặc sản, sản xuất chè tán ma, nuôi lợn cỏ, măng chua và trồng cây ăn quả.
Bình luận 0

Ngày 28/3, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) đã khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 5/8/2019 của BCH T.Ư Hội NDVN và nắm bắt tình hình Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Tại xã Phú Xuân, Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh (Trung ương Hội NDVN) Vũ Quốc Huy cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Hà Thị Huyến và nuôi dê của gia đình chị Lương Thị Thế.

Thanh Hóa - Ảnh 1.

Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh (Trung ương Hội NDVN) Vũ Quốc Huy (thứ 2 từ trái vào) cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Hà Thị Huyến ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Minh Ngọc

Chị Thế cho biết, gia đình nuôi thường xuyên đàn dê 30 - 40 con. Thay vì nuôi dê theo hình thức chăn thả thông thường, thì chị đã áp dụng mô hình nuôi dê nhốt chuồng. 

"Những ngày đầu nuôi, gặp không ít khó khăn vì phải tính toán làm thế nào để dê phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân nên những trở ngại ban đầu rồi cũng trôi qua. Qua tìm hiểu, nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác; hơn nữa dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn", chị nói.

Vì dê là loài ăn tạp nên có thể không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn. Chị Thế chia sẻ, hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá phong phú, nhiều thương lái đến tận nhà để mua. Dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 35 kg/con, bán với giá từ 100 - 150 nghìn đồng/kg; dê giống có giá 2,5 - 3 triệu đồng/con.

Thanh Hóa - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình chị Lương Thị Thế ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Minh Ngọc

Sau khi đi thăm 2 mô hình chăn nuôi lợn và dê tại xã Phú Xuân, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN đã làm việc với với Hội Nông dân huyện Quan Hóa và xã Phú Xuân.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Hà Thị Cươi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Hóa cho biết, hiện nay toàn huyện xây dựng được 12 Tổ hội nông dân nghề nghiệp, tiêu biểu như Tổ hội sản xuất chè tán ma ở xã Hiền Kiệt; Tổ hội sản xuất măng chua ở xã Phú Nghiêm; Tổ hội nuôi cá ở xã Trung Sơn; Tổ hội sản xuất bánh nhãn ở thị trấn Hồi Xuân.

"Các Tổ hội đã phát huy được hiệu quả hoạt động, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi gia trị, tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường", bà Cươi cho biết.

Thanh Hóa - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Hóa Hà Thị Cươi cho biết, hiện nay toàn huyện xây dựng được 12 Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Ảnh: Minh Ngọc

Về tình hình Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Các cấp Hội đã tham gia rà soát, phân loại hộ nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Triển khai thực hiện dự án giảm nghèo của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, Hội Nông dân huyện đã trao cho hội viên nông dân nghèo ở xã Trung Thành 36 con bò sinh sản. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án đến nay đã sinh sản được 4 con bê và 14 con đang chửa.

Nổi bật, năm 2021, Hội Nông dân huyện Quan Hóa đã phối hợp với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Liên Việt tín chấp, ủy thác cho hơn 3.500 lượt hộ nông dân vay trên 367 tỷ đồng. Tín chấp cho nông dân mua 55 tấn phân bón theo hình thức trả chậm...

Thanh Hóa - Ảnh 4.

Ngày 28/3, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN đã khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 5/8/2019 của BCH TƯ Hội NDVN và nắm bắt tình hình Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Đối với xã Phú Xuân, bà Cao Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, xã còn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với mặt bằng chung của toàn huyện. Chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp.

Hiện nay, xã Phú Xuân có 11 chi hội nông dân. Tuy nhiên do điều kiện địa lý, kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa có Tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Ông Hà Đức Liệu, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân chia sẻ những khó khăn mà xã đang phải đối mặt với đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN, hiện đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, trên địa bàn còn duy trì 3 bến đò ngang nên việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân rất vất vả, nhất là vào mùa mưa.

Đặc biệt, trên địa bàn xã Phú Xuân đang thực hiện dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân, nhưng đã hơn 10 năm nay chưa hoàn thành ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Thanh Hóa - Ảnh 5.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân Hà Đức Liệu cho hay, đời sống của người dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dự án thủy điện Hồi Xuân đã hơn 10 năm nay vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Ảnh: Minh Ngọc

Cũng tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy cho biết, kinh tế chú yếu của huyện là phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Nền sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, một số bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Ông Thủy bày tỏ, qua buổi khảo sát, làm việc tại xã Phú Xuân Trung ương Hội NDVN quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ về vốn, mở các lớp dạy nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân huyện Quang Hóa xây dựng các mô hình trang trại, gia trại để hội viên nông dân học tập làm theo, góp phần phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.

Thanh Hóa - Ảnh 6.

Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN. Ảnh: Minh Ngọc

Nhấn mạnh vai trò của các mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nên tổ chức xây dựng mô hình quy mô cấp thôn, bản.

"Như tại Thanh Hóa đã triển khai thành công mô hình thôn, bản Nông thôn mới. Đối với miền núi thì các mô hình phát triển kinh tế xã hội nên gắn với thôn, bản. Như vậy mới tập trung sự chỉ đạo, hướng dẫn tốt hơn", ông Quân nói.

Một vấn đề nữa theo ông Quân, đó là, thực tế ở các huyện miền núi việc thu hút doanh nghiệp đầu tư là rất khó. Chính vì vậy dẫn đến "ly nông". Để thu hút đầu tư, huyện Quan Hóa cần thúc đẩy mời gọi các doanh nghiệp.

Ông Quân cũng đề nghị, Hội Nông dân huyện Quan Hóa, cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án thành lập Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân.

Thanh Hóa - Ảnh 7.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa Trần Bình Quân cho rằng, huyện Quan Hóa cần đẩy manh mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh (Trung ương Hội NDVN) Vũ Quốc Huy yêu cầu, các cấp Hội Nông dân huyện Quan Hóa tập trung phân công trách nhiệm, quản lý, theo dõi từng thôn, bản.

"Cán bộ xuống thăm mô hình một lát xong về thì không giải quyết vấn đề gì. Mục tiêu chính chúng ta phải chỉ đạo, giám sát trực tiếp, thậm chí là cầm tay chỉ việc", ông Huy nhấn mạnh.

Thanh Hóa - Ảnh 8.

Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh (Trung ương Hội NDVN) Vũ Quốc Huy yêu cầu, Hội Nông dân huyện Quan Hóa nhanh chóng xây dựng Đề án hoạt động của Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân. Ảnh: Minh Ngọc

Về Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Huy đề nghị Hội Nông dân huyện Quan Hóa phải gấp rút xây dựng và "ra" được Đề án của Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân. Cùng với đó, tập trung xây dựng Chi, Tổ hội nghề nghiệp nông dân.

Một vấn đề nữa, ông Huy đề nghị, rà soát chất lượng hội viên nông dân. "Chúng ta phải rà soát lại chất lượng hội viên cho thực chất và không nên quá nặng nề về số lượng".

Tiếp đó, ông Huy yêu cầu các cấp Hội Nông dân huyện Quan Hóa cần làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ, dịch vụ cho nông dân.

"Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ tư vấn về vay vốn, kỹ thuật cây con, giống. Hướng đến chăn nuôi những vật nuôi đặc hữu, có giá trị kinh tế cao như lợn đen, gà đen".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem