Xúc động nghẹn ngào khi nhìn lại nơi ở đơn sơ của Bác tại "Thủ đô gió ngàn"

Thu Hà - Đức Thịnh Thứ tư, ngày 14/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trong căn lán Nà Nưa đơn sơ ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền thành công trong cả nước.
Bình luận 0

Lán Nà Nưa cũng là nơi Bác Hồ đã nói câu bất hủ: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Tự hào quê hương cách mạng


Clip: Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công

77 năm trôi qua kể từ những ngày sôi sục không khí tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Tân Trào nay đã đổi khác rất nhiều. Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, dọc hai bên đường, những đóa hoa rực rỡ khoe sắc, những nếp nhà sàn đơn sơ, nằm tĩnh lặng giữa Thủ đô kháng chiến luôn sẵn sàng đón du khách từ khắp mọi miền đến thăm.

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công - Ảnh 1.

Căn lán Nà Nưa đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ảnh: Đức Thịnh

Chúng tôi được chị Lò Thị Tâm là Hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đưa đi tham quan, tìm hiểu về khu di tích lán Nà Nưa.

"Đây là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước thành công. Chính vì vậy mà căn lán rất đơn sơ, giản dị giữa núi rừng Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang được nhân dân Việt Nam gọi là Phủ Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam chúng ta" - chị Lò Thị Tâm cho biết.

Trước khi đến với lán Nà Nưa, chúng tôi đi qua một cây cầu nối giữa hồ Nà Nưa với một dòng suối, rồi đến gần chân núi Hồng. Từ chân núi Hồng, chúng tôi tiếp tục vượt qua 79 bậc tam cấp. 

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công - Ảnh 2.

Theo lời hướng dẫn viên, 79 bậc tam cấp ở đây tượng trưng cho 79 tuổi của Bác Hồ.

Căn lán Nà Nưa của Bác Hồ được người lựa chọn dựng ở sườn núi Nà Nưa, ngay sát chân núi Hồng. Vị trí này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Bác đề ra lúc bấy giờ, đó là: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Lán được chia làm 2 gian nhỏ, có vách ngăn giữa 2 gian. Gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía Tây có sàn để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.

Nhớ mùa thu lịch sử trên quê hương cách mạng Tân Trào

Tại căn lán Nà Nưa, dù Bác Hồ chỉ ở và làm việc có 3 tháng nhưng đã ban hành rất nhiều chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng của đất nước như: Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa... 

Đặc biệt, ở đây Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang- Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang lại là Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh… 

Tân Trào được chọn làm "Thủ đô của Khu giải phóng", trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công - Ảnh 3.

Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Ảnh: Đức Thịnh.

"Trong thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại lán Nà Nưa, theo lời kể của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cuộc sống của Bác hết sức khó khăn và gian khổ. Những bữa ăn của Người rất đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh.

Trước khi diễn ra các sự kiện lịch sử trong tháng 8, vào cuối tháng 7, Bác Hồ đã có một trận ốm thập tử nhất sinh tại chính căn lán Nà Nưa, xã Tân Trào.

Trong cuốn Hồi ký của mình, cố đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại rằng: Hôm đó vào một buổi chiều cuối tháng 7/1945, cố đại tướng đi từ làng Kim Long đến lán Nà Nưa thì không thấy Bác Hồ ngồi bên ngoài lán đọc sách, làm việc như mọi khi mà Người lại ngồi dựa lưng vào tường của lán. Hai mắt của Người nhắm nghiền lại, áo thì ướt đẫm mồ hôi, toàn thân đang run lên bần bật vì cơn sốt. Hình ảnh đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp chưa thấy ở Bác bao giờ.

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công - Ảnh 4.

Lán được chia làm 2 gian nhỏ, có vách ngăn giữa 2 gian. Gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ảnh: Đức Thịnh

Thấy Bác Hồ như vậy và linh cảm có chuyện chẳng lành, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xin Bác Hồ ngủ lại một đêm ở lán. Và cũng ngay đêm hôm đó, tỉnh dậy sau một cơn sốt kéo dài và có lẽ nghĩ mình sẽ không qua khỏi, Bác Hồ đã gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lại dặn dò, nói chuyện.

Chính lúc này, Bác Hồ đã nói: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Sau này, đây được xem là câu nói bất hủ của Bác Hồ trong suốt thời gian chiến đấu  dành độc lập dân tộc và đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945", chị Lò Thị Tâm cho biết thêm.

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công - Ảnh 5.

Căn lán Nà Nưa của Bác Hồ được người lựa chọn dựng ở sườn núi Nà Nưa, ngay sát chân núi Hồng. Vị trí này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Bác đề ra lúc bấy giờ, đó là: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Ảnh: Đức Thịnh

"Trước tình hình Bác Hồ ốm rất nặng như vậy, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xin phép Bác Hồ khẩn trương đi tìm người chữa bệnh cho Bác. Và cũng rất là may mắn, được sự mách bảo của bà con Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đại tướng có tìm được một cụ lang già và đón cụ lên lán Nà Nưa chữa bệnh cho Bác Hồ. 

Sau khi bắt mạch xong, cụ lang già đốt cháy một thứ củ rừng, tán nhỏ hoà vào cháo loãng rồi mời Bác Hồ uống. Sau vài lần như vậy và cộng với một số lần Bác Hồ uống thuốc tây của ta thời kỳ đó do quân đồng minh của ta cung cấp là thuốc cảm và thuốc ký ninh, đồng thời người kết hợp rất nhiều phương thuốc của bà con Tân Trào nên đến đầu tháng 8/1945, Người đỡ dần và gượng dậy tiếp tục làm việc.

Thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ ở khi về Tân Trào - Ảnh 7.

Hai ống nứa dựng trước lán Nà Nưa là vật dụng đi lấy nước uống hàng ngày của Bác Hồ. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Ngày nay, nhiều người dân tại xã Kim Long cũng không ai biết rõ cụ lang năm xưa đã đi đâu và phương thuốc ông thầy lang dùng để cứu chữa cho Bác Hồ khi đó như thế nào...", chị Lò Thị Tâm nói.

Ngoài ra, tính từ ngày 13 - 15/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Vì điều kiện sức khỏe, Người không dự đầy đủ các phiên họp nhưng vẫn chỉ đạo Hội nghị và góp nhiều ý kiến phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học.

Hội nghị quyết định phát động toàn quốc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc... 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số I, kêu gọi: "Hỡi quân dân toàn quốc!...Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà...".

Trong ngày 15/8-/945, nhận được tin phát xít Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Bác Hồ đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc sớm để các đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8, Bác Hồ dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào.

 Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa được Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định. Đại hội bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời), do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định quốc kỳ, quốc ca của nước Việt Nam mới... Sau Quốc dân Đại hội, ngày 18-8-1945, Bác Hồ viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, gửi quốc dân, đồng bào, trong thư này, lần cuối Người ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Đến ngày 22/8/1945, mặc dù còn mệt nhưng Bác Hồ đã quyết định rời căn lán Nà Nưa để về Hà Nội. Từ căn lán nhỏ đơn sơ - lán Nà Nưa dưới chân dãy núi Hồng, Tuyên Quang mà Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại: Dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, năm 1972, di tích lán Nà Nưa đã được phục dựng lại tại địa điểm căn lán cũ. Năm 2009, lán Nà Nưa tiếp tục được tu bổ. Lán Nà Nưa, là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 10/5/2012.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem