Tết Mông ở Tây Bắc, bà con kiêng tiêu tiền, ăn cơm chan canh, dao, cuốc nghỉ ngơi, còn cả nhà đi chơi

PV Tây Bắc Thứ hai, ngày 02/01/2023 18:44 PM (GMT+7)
Khác với nhiều dân tộc sinh sống ở vùng Tây Bắc, dịp Tết của người Mông có những tập tục, tín ngưỡng sâu sắc và rất đặc trưng, được truyền từ đời này sang đời khác...Tết Mông, bà con kiêng tiêu tiền, ăn cơm chan canh, kiêng ăn rau, thổi lửa, cho dụng cụ lao động nghỉ ngơi...Con người thì đi vui chơi.
Bình luận 0


Clip: Người Mông vùng cao Sơn La cho công cụ lao động nghỉ ngơi; đàn ông làm việc thay phụ nữ, cúng bánh dày cho tổ tiên...

Cho công cụ lao động nghỉ ngơi ăn tết Mông

Trong 54 dân tộc Việt Nam thì người Mông là dân tộc thích sinh sống ở vùng núi cao, phụ thuộc vào tự nhiên; canh tác nơi địa hình hiểm trở, núi đá. Vì vậy, các công cụ lao động như cuốc, thuổng, dao, rìu… là những phương tiện giúp người Mông tạo ra hạt thóc, bắp ngô.

Thế nên, mỗi khi Tết đến Xuân về, người Mông trả ơn công cụ lao động bằng cách rửa sạch, dán giấy niêm phong và dựng công cụ lao động ở nơi trang trọng nhất trong nhà (bên cạnh bàn thờ) để chúng được nghỉ ngơi, phục sức cho mùa vụ tiếp theo.

Những nét độc đáo tết Mông ở Tây Bắc  - Ảnh 2.

Người Mông vùng Sơn La, Tây Bắc cho công cụ lao động nghỉ ngơi. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Sùng Giống Mua – già làng bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) kể: Trên lãnh thổ nước Việt Nam, người Mông ưa sinh sống ở vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Do vậy, dao, cuốc, rìu là phương tiện sản xuất thuận tiện nhất giúp người Mông tạo ra lương thực nuôi sống người thân trong gia đình.

Theo ông Mua, người Mông quan niệm mọi vật đều có linh hồn và công cụ lao động cũng vậy. Dịp Tết, con người được nghỉ ngơi nên công cụ lao cũng sẽ được gia chủ cho nghỉ ngơi để "ăn Tết".

Theo đó, vào 30 Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ có trách nhiệm rửa sạch công cụ lao động. Sau đó, cắt mẩu giấy trắng (loại giấy người Mông tự làm) thành từng miếng hình chữ nhật có răng cưa ở một đầu, đầu còn lại không cắt sẽ được dán lên công cụ lao động.

Những nét độc đáo tết Mông ở Tây Bắc  - Ảnh 3.

Dịp tết Cổ truyền này, những người đàn ông trong gia đình gần như làm hết mọi việc thay chị em phụ nữ. Ảnh: Tuệ Linh.

Công cụ lao động sau khi được niêm phong, chúng sẽ được nghỉ ngơi từ mùng 1 Tết đến hết mùng 3, 4, 5, tuỳ từng hộ gia đình quy định khác nhau. Trong quá trình nghỉ ngơi đó, người Mông sẽ kiêng sử dụng công cụ lao động trong ngày Tết, nhất là mùng 1, 2, 3. Từ mùng 5, 6 người Mông sử dụng công cụ lao động để ra quân sản xuất mùa vụ mới.

Nói về ý nghĩa của việc cho công cụ lao động nghỉ ngơi trong dịp Tết, ông Mua bảo: Tục cho công cụ lao động nghỉ Tết của người Mông nghe có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Sau quá trình nghỉ ngơi, công cụ lao động sẽ được hồi sức trở lại. Vì vậy, khi các thành viên trong gia đình sử dụng chúng để canh tác mùa vụ mới sẽ không bị tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, công cụ lao động sẽ giúp nâng cao năng suất lương thực trong năm mới, góp phần đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Mặt khác, tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu sang năm mới sử dụng công cụ lao động một cách an toàn, hiệu quả.

Mùng 1 Tết, đàn ông làm tất tần tật mọi việc thay phụ nữ

Rạng sáng ngày mùng 1 tết Cổ truyền của người Mông, khi những tiếng gà trống gáy "ò ó o" vang lên đầu tiên cũng là lúc những đàn ông người Mông bật dậy làm hết mọi công việc thay người phụ nữ...

Những nét độc đáo tết Mông ở Tây Bắc  - Ảnh 4.

Vào ngày Tết, người Mông kiêng ăn cơm chan canh và kiêng ăn rau. Ảnh: Tuệ Linh.

Nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển nên thời điểm này bản Co Mạ, xã Co Mạ chìm trong mây mù, nhiệt độ trên 10 độ C, chân tay lạnh tê buốt. Dịp này, bà con đang nhộn nhịp đón tết sau một năm lao động vất vả.

Gia đình ông Và Sái Di, dân bản Co Mạ là một trong hộ gia đình đón Tết sớm nhất. Người Mông nơi đây thật thà, chất phác, mến khách. Ngồi bên mâm cơm đón giao thừa cùng gia đình, ông Di rót chén rượu ngô thơm nức và gắp miếng thịt gà đen săn chắc mời chúng tôi thưởng thức.

Vừa tiếp khách, ông Di vừa kể cho mọi người trong mâm nghe về những phong tục, nghi lễ tốt đẹp của người Mông. Bên cạnh đó, ông cũng không quên căn dặn thế hệ trẻ phải chăm chỉ học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội; không được vi phạm pháp luật; không nghe theo tà đạo, kẻ xấu lợi dụng.

"Người Mông quan niệm, nếu tối nay ăn Tết thì ngày mai là mùng 1 Tết, không nhất thiết cứ phải ăn vào tối 30/11 âm lịch. Khi những tiếng gà gáy "ò ó o" vang lên đầu tiên, đánh dấu những phút giây đầu tiên sang năm mới (rạng sáng ngày mùng 1 Tết), cánh đàn ông người Mông bật dậy làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò...", ông Di nói.

Những nét độc đáo tết Mông ở Tây Bắc  - Ảnh 5.

Đồng bào Mông giã bánh dày cúng Tết. Ảnh: Anh Linh.

Theo quan niệm của người Mông, ngày mùng 1 Tết không ai gọi ai, cứ nghe thấy tiếng gà gáy là ai nấy đều tự giác bật dậy để chuẩn bị đón năm mới; trong đó người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình nên sẽ là người dậy sớm nhất để chuẩn bị mọi thứ.

Việc đàn ông người Mông dậy sớm để cho gia súc, gia cầm ăn thể hiện sự quan tâm của người chủ đối với vật nuôi của mình. Bởi ở miền sơn cước này vật nuôi chính là tài sản có giá nhất của người Mông. Con trâu, con bò thì giúp người Mông tạo ra hạt gạo, bắp ngô; con lợn, con gà giúp người Mông đón cái Tết đầy đủ, ấm cúng.

Những nét độc đáo tết Mông ở Tây Bắc  - Ảnh 6.

Đến với đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc vào dịp Tết này, ngoài việc được chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo, như: Kiêng gọi nhau, kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau... Mặt khác, du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, được học cách ném những trái pao cùng những thiếu nữ người Mông xinh đẹp xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ. Ảnh: Anh Linh.

Cùng với đó, người Mông mong muốn sang năm mới, tổ tiên, ông bà, thần linh phù hộ độ trì cho đàn vật nuôi sinh sôi, nảy nở, không ốm đau, bệnh tật; giúp gia chủ có cuộc sống tốt hơn, giàu hơn so với năm cũ.

Không chỉ có vậy, sáng mùng 1 Tết, khi nghe thấy đàn ông dậy sớm nhóm bếp, cho lợn, gà ăn thì người phụ nữ Mông cũng dậy theo để làm những công việc nhỏ hơn như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới.

Kiêng tiêu tiền, ăn cơm chan canh, ăn rau, thổi lửa…

Không chỉ cho công cụ lao động nghỉ ngơi, đàn ông làm tất tần tật mọi việc thay phụ nữ, người Mông còn kiêng tiêu tiền, ăn cơm chan canh, thổi lửa, ăn rau… vào ngày mùng 1, 2 Tết; lý giải phong tục này, ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng uỷ xã Long Hẹ cho biết: Những tập tục này từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó như một quy tắc ngầm trong tâm linh, không cần phải nhắc nhở, cứ đến dịp Tết là mọi người đều phải tuân theo. Đây cũng chính là những nét riêng tạo nên bản sắc văn hoá của người Mông.

Theo ông Nó, người Mông quan niệm, nếu gia đình chưa tổ chức ăn Tết mà đến chúc Tết hàng xóm thì được dùng tiền để mừng tuổi cho con cháu, ông bà. Tuy nhiên, nếu gia đình đã ăn Tết mà cầm tiền đi tiêu hoặc lì xì cho hàng xóm, họ hàng thì trong năm mới công việc làm ăn sẽ bị thất bát; tiền của đem làm lợi cho người khác, sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có lãi.

Theo tìm hiểu, bên cạnh tục kiêng tiêu tiền, dịp Tết, người Mông còn kiêng không không ăn cơm chan canh, ăn rau, thổi lửa, gọi nhau, nói bậy…

Anh Và A Tòng, bản Co Mạ nói: Nếu thổi lửa, ăn cơm chan canh trong mâm cỗ ngày Tết, nhất là ngày mùng 1, 2 Tết thì sang vụ sản xuất trong năm mới không gặp mưa thuận gió hoà.

Mưa bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán gia tăng sẽ xuất hiện với cường độ mạnh gây tàn phá cây lương thực, xảy ra hoả hoạn làm mùa màng thất bát, đói nghèo, dịch bệnh xảy ra khiến đời sống vật chất – tinh thần của bà con gặp nhiều khó khăn…

"Vì vậy, đến nay thế hệ trẻ chúng tôi luôn duy trì và phát huy những phong tục kiêng khem trong ngày Tết này theo hướng tiến bộ của xã hội. Đồng thời, thăm hỏi nhau để chúc những điều tốt đẹp cầu cho năm cũ qua đi, năm mới đến, người người, nhà nhà sẽ được bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, làm ăn phát đạt…", A Tòng chia sẻ.

Cúng Tết bằng bánh dày

Người Mông quan niệm, ngày Tết không có bánh dày thì coi như không có Tết. Tiếng Mông gọi là bánh dày là "Dúa" hoặc "Pía". Trong mâm cỗ Tết  của người Mông, ngoài thịt lợn, thịt gà, rượu ngô thì bánh dày là thứ không thể thiếu.

Bánh dày được con cháu người Mông dùng để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày tết để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành nên mình nhờ ăn hạt gạo nếp.

Từ lâu, người Mông quan niệm, bánh dày biểu tượng cho sự no ấm, an lành, hạnh phúc. Vì vậy, sang năm mới, các trưởng dòng họ, người có uy tín… dùng bánh dày để thờ cúng tổ tiên, thần linh cầu mong sang năm mới, con cháu người Mông có sức khỏe tốt, lao động sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu.

Có thể nói, trong cộng đồng 54 dân tộc anh em thì cộng đồng người Mông là một trong những dân tộc có tập tục, tín ngưỡng sâu sắc nhất. Chính những phong tục lạ như: Cho công cụ lao động nghỉ Tết; đàn ông làm tất tần tật mọi việc; kiêng tiêu tiền, ăn cơm chan canh, ăn rau, thổi lửa, gọi nhau, nói bậy, cúng bánh dày… đã góp phần làm phong phú thêm văn hoá các dân tộc Tây Bắc.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem