Tạo lũ giả trồng cỏ dại làm rau sạch, anh nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An lời gấp 6 lần sạ lúa

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 25/03/2023 18:58 PM (GMT+7)
Không cần đợi đến mùa nước mới có hẹ nước bán, anh Nguyễn Trung Luyến, một nông dân vùng Đồng Tháp Mười, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, (tỉnh Long An) đã tạo lũ giả để trồng hẹ nươc-một loại cỏ dại vùng Đồng Tháp Mười và có thu nhập gấp 5 - 6 lần sạ lúa.
Bình luận 0

Thay vì làm vụ lúa hè thu, anh Nguyễn Trung Luyến, một nông dân vùng Đồng Tháp Mười, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, (tỉnh Long An) chuyển hơn 1ha đất sang trồng hẹ nước - một loại cỏ những năm gần đây đã trở thành đặc sản cho giới sành ăn.

Tạo "lũ giả" trồng loại “cỏ” dại siêu sạch, anh nông dân vùng biên Long An có lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Trung Luyến (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã tạo lũ giả để trồng hẹ nước có thu nhập gấp 5 – 6 lần trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Tạo lũ giả trồng hẹ nước

Cứ nghĩ, chỉ có vùng Đồng Tháp Mười khi nước lũ về mới có hẹ nước, thứ cỏ dại mà dân miền Tây hay hái làm rau sạch, không ngờ nơi đồng cao, khô hạn ở xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), hẹ nước vẫn mọc tươi tốt khi nông dân tổ chức trồng. 

Hiện, sau thu hoạch vụ lúa đông xuân, một số nông dân ở khu vực cầu Bảy Triển, xã Bình Hòa Bắc đang chuẩn bị đất chuyển sang trồng hẹ nước, trong đó có anh Luyến.

Anh Luyến cho biết, không phải ruộng nào cũng có thể trồng hẹ nước. Ruộng trồng được hẹ nước khi ruộng đó có "mỏ hẹ".

Theo đó, lâu nay trên mảnh ruộng đã có mầm hẹ. Và dù hạn hán khô cằn thế nào thì hễ khi ruộng có nước là hẹ nước lại sinh sôi, phát triển trên mảnh ruộng đó.   

"Nhiều người cứ nghĩ khi nước về sẽ mang theo cây hẹ nước về vùng này. Thực tế, cây hẹ nước vốn tồn tại bao đời nay ở đây. Vào mùa khô, hẹ nước lụi tàn, củ vùi lấp trong đất. Khi ruộng có nước, đất mềm ra, hẹ nước sinh sôi nảy nở", anh Luyến bộc bạch.

Anh Luyến cho biết, trước đây không ai ngó ngàng đến cây hẹ nước. Khi trồng lúa, nhiều nông dân phải nhổ bỏ để cây lúa phát triển.  

Tạo "lũ giả" trồng loại “cỏ” dại siêu sạch, anh nông dân vùng biên Long An có lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa - Ảnh 2.

Sau khi trồng hẹ nước khoảng 1 tháng, nông dân xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Trần Đáng

Tuy nhiên, những năm gần đây, cây hẹ nước đã trở thành sản vật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người tiêu dùng xa gần xem đây là một món ăn đặc sản đồng quê

"Khai thác giá trị cây hẹ nước, giờ đây nông dân vùng này đã không chờ nước về mới có hẹ nước bán, mà chủ động trồng hẹ nước cung cấp cho thị trường", anh Luyến cho biết.

Theo anh Luyến, kỹ thuật trồng hẹ nước không khó, thậm chí rất dễ. Cây hẹ nước vốn có sức sống mãnh liệt. Và biết được quy trình sinh sôi của cây hẹ nước, nông dân chỉ cần xới ruộng, làm nhuyễn đất và cấp nước vào ruộng tạo "lũ giả". 

Trong quá trình cho cây hẹ nước sinh sôi phát triển, người dân không cần phải bón phân, thuốc.

"Nông dân chỉ cần chịu khó ra ruộng nhổ cỏ dại, nhặt rác. Hơn 1 tháng sau là tha hồ thu hoạch hẹ nước", anh Luyến cười nói.

Tuy nhiên, anh Luyến cho biết, trồng hẹ nước cực nhất là khi thu hoạch. Người thu hoạch hẹ nước phải đứng trong nước hàng giờ dùng tay nhổ từng bụi hẹ.

Họ đi theo lối, nhổ hết chỗ này mới đến chỗ khác để tránh làm đục nước khiến người sau không thấy hẹ để nhổ. Thông thường, khi nhổ từ đầu đến cuối ruộng thì hẹ mới cũng đã mọc lên thay thế lứa đã khai thác. Sau khi nhổ, hẹ sẽ được chất ngay bên bờ ruộng để sơ chế trước khi bán cho thương lái.

Tạo "lũ giả" trồng loại “cỏ” dại siêu sạch, anh nông dân vùng biên Long An có lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa - Ảnh 3.

Trồng hẹ nước mang lại lợi nhuận gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Anh Luyến chia sẻ kinh nghiệm, ruộng nước càng sâu, lá hẹ càng dài, màu lá càng xanh nhạt, trong sáng, bề rộng lá lớn khoảng một phân. 

Ruộng nước thấp lá hẹ ngắn và màu sậm hơn, lá cũng dày hơn, bề rộng lá nhỏ hơn. Hẹ ở ruộng thì xốp, giòn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương.

Trồng hẹ nước thu lời gấp 6 lần sạ lúa

Theo anh Luyến, khi bước vào vụ thu hoạch, mỗi ngày tại ruộng hẹ của anh có khoảng chục 10 người nhổ hẹ. Cứ mỗi ngày, anh Luyến  thu hoạch 200 - 300kg hẹ. Trong năm, giá hẹ nước 10.000 - 15.000 đồng/kg. Một vụ hẹ nước kéo dài thu hoạch khoảng 3 tháng.  

"Bây giờ, nhiều nông dân bỏ lúa vụ hè thu và chuyển sang trồng hẹ nước. Lợi nhuận từ trồng hẹ nước cao gấp 5 – 6 lần trồng lúa", anh Luyến thổ lộ.

Không chỉ có lợi nhuận trực tiếp, việc trồng hẹ nước còn mang lại những lợi ích gián tiếp, như việc luân canh trồng lúa và trồng hẹ nước còn hạn chế sâu bệnh, sinh vật gây hại và giảm chi phí trồng lúa sau này.

Anh Luyến cho biết, hiện hẹ nước đang được tiêu thụ mạnh nhất ở TP.HCM. Có những ngày không đủ cung cấp hẹ nước cho thương lái.

Tạo "lũ giả" trồng loại “cỏ” dại siêu sạch, anh nông dân vùng biên Long An có lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa - Ảnh 4.

Nông dân trồng hẹ nước không đủ cung cấp cho thị trường. Ảnh: Trần Đáng

Rau hẹ nước chấm với mắm kho ăn hết ý. Món ăn này đã "hớp hồn" biết bao du khách khi đến du lịch miền Tây.

Rau hẹ nước mềm, xốp, giòn, có vị ngọt thanh rất dễ ăn, thời gian qua đã trở thành món đặc sản với dân thành thị vì vừa ngon, bổ, rẻ lại vừa rất an toàn vì siêu sạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem