Tăng giá tốt ở Hậu Giang là hai loại quả này, bao nhiêu cũng "cân tất", vì sao vựa vẫn kêu "khan hàng" lắm?

Thứ ba, ngày 28/03/2023 05:18 AM (GMT+7)
Một trong những mặt hàng nông sản ở Hậu Giang đang được thương lái thu mua với giá cao là mít. Theo đó, vào thời điểm này của cùng kỳ năm trước thì giá mít chưa đến 20.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá mít được thương lái vào tận vườn cân cho bà con ở mức từ 31.000-32.000 đồng/kg...
Bình luận 0

Với nhiều yếu tố chi phối nên hiện có một số mặt hàng nông sản được nông dân trong tỉnh Hậu Giang bán với giá cao, cho nguồn thu nhập hấp dẫn, trong đó có mít Thái và trái khóm.

Từ yếu tố cây mít…

Một trong những mặt hàng nông sản đang được thương lái thu mua với giá cao là mít. Theo đó, vào thời điểm này của cùng kỳ năm trước thì giá mít chưa đến 20.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá mít được thương lái vào tận vườn cân cho bà con ở mức từ 31.000-32.000 đồng/kg, còn vào thời điểm cách nay khoảng 10 ngày thì giá mít ở mức từ 40.000-45.000 đồng/kg...

Thậm chí có số ít hộ bán được giá đến 52.000 đồng/kg và đây được xem là mức giá hiếm gặp trong nhiều năm qua. Giá mít hiện nay ở mức cao nhưng nguồn cung ít nên nhiều nhà vườn trong tỉnh cảm thấy tiếc nuối.

Vừa thu hoạch được gần 200kg mít trên diện tích gần 2ha của gia đình để cân cho thương lái, ông Nguyễn Văn Vũ, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), thông tin: “Đã lâu lắm rồi giá mít mới ở mức cao như những ngày qua và còn đang duy trì ở mức hấp dẫn nhưng tiếc là không có nhiều trái mít để bán. Riêng gia đình tôi, sản lượng mít thu hoạch mỗi tuần trong lúc này chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ. 

Hiện không riêng gì tôi mà hầu hết nhà vườn trồng mít trên địa bàn huyện Châu Thành cũng như trong tỉnh đều có số lượng mít để bán rất ít, thậm chí có không ít hộ tuy có vườn mít nhưng không có trái để bán. 

Nguyên nhân chính là do mùa nước lũ năm vừa qua có triều cường dâng cao gây ngập vườn mít trong thời gian khá dài, từ đó làm nhiều cây mít đang trong giai đoạn cho trái hoặc chuẩn bị ra trái bị chết, nông dân phải trồng lại; riêng số ít những cây mít may mắn còn sống thì cũng èo ọt, khả năng cho trái kém”.

Tăng giá tốt ở Hậu Giang là hai loại quả này, bao nhiêu cũng "cân tất", vì sao vựa vẫn kêu "khan hàng" lắm? - Ảnh 1.

Sản lượng giảm, trong khi giá mít Thái bán đang ở mức cao làm cho nhiều nhà vườn trồng mít trong tỉnh Hậu Giang cảm thấy tiếc nuối.

Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh, đến cuối năm 2022, diện tích trồng mít của Hậu Giang đạt gần 9.940ha; trong đó, một số địa phương của tỉnh có vùng trồng mít nhiều là huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A. 

Năng suất mít bình quân đạt khoảng 15 tấn trái/ha, tổng sản lượng cung ứng cho thị trường đạt hơn 98.000 tấn/năm. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung về tình hình ngập úng trong mùa mưa năm 2022 nên hầu hết các vùng trồng mít trọng điểm trong tỉnh đang có nguồn cung giảm mạnh so với cùng kỳ, từ đó kéo theo nhiều vựa thu mua mít trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh “khát hàng” cung ứng cho thị trường.

Cụ thể là vào thời điểm này, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành hay xã Long Thạnh và Tân Long của huyện Phụng Hiệp thì dễ dàng cảm nhận được không khí mua bán mít tại các vựa khá trầm lắng so với cùng kỳ. 

Theo chia sẻ của một chủ vựa mít ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp thì vào thời điểm này mọi năm, mỗi ngày vựa thu mua hơn 2 tấn mít, nhưng bây giờ chỉ có 500-600kg, có ngày còn ít hơn. 

Đặc biệt từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ mít trong và ngoài nước tương đối thuận lợi, nhất là thị trường Trung Quốc khi ngành chức năng các cấp làm tốt việc cấp mã số vùng trồng cho loại cây ăn trái này, từ đó kéo theo giá bán đã tăng lên đáng kể nhưng tiếc là sản lượng cung ứng lúc này không nhiều”.

Tăng giá tốt ở Hậu Giang là hai loại quả này, bao nhiêu cũng "cân tất", vì sao vựa vẫn kêu "khan hàng" lắm? - Ảnh 3.

Dù giá khóm ở Hậu Giang đang ở mức cao nhưng do tình trạng chết bụi đã làm giảm khoảng 30% năng suất khóm của người dân.

Đến cây khóm

Thị trường tiêu thụ khóm Cầu Đúc (một trong những thương hiệu nông sản của tỉnh) lúc này cũng đang tạo ra nhiều niềm phấn khởi pha lẫn với sự tiếc nuối cho người dân khi giá bán ổn định ở mức cao nhưng nguồn cung thì hạn chế. 

Ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Hiện bà con trong HTX bán khóm với giá 8.500 đồng/trái loại I (trái đạt trọng lượng từ 1kg trở lên), còn loại nhì thì 2 trái kể một. 

Không phải vào thời điểm này mà từ đầu năm đến nay, giá khóm được bình ổn ở mức cao khi duy trì từ 6.500-8.500 đồng/trái loại I. Đây được xem là mức giá khá hấp dẫn cho nông dân vì bà con có thể kiếm được nguồn lợi nhuận từ 4-5 triệu đồng/thiên khóm (1.000 trái)”.

Theo nhiều nông dân tại vùng trồng khóm Cầu Đúc lớn nhất của tỉnh là xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tuy giá khóm ở mức cao nhưng nguồn cung đang hạn chế. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố, nhất là tình trạng khóm bị chết bụi xảy ra khá phổ biến tại nhiều liếp khóm của bà con do đất bị bạc màu vì canh tác khóm nhiều năm, đồng thời còn bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh…

Ông Nguyễn Văn Khoáng, hộ có hơn 1ha khóm Cầu Đúc ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Trong điều kiện bình thường, 1ha khóm được nông dân chăm sóc tốt thì có thể cho năng suất khoảng 15-16 tấn/ha. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tình trạng khóm chết bụi khá nhiều trên cùng diện tích canh tác đã làm giảm khoảng 30% năng suất. Ngoài năng suất giảm thì bà con còn phải tốn chi phí đầu tư khi thường xuyên cải tạo lại liếp trồng. Vì vậy, việc giá khóm ổn định ở mức cao như thời gian gần đây đã phần nào làm giảm áp lực để nông dân gắn bó với loại cây trồng chủ lực của địa phương và mang thương hiệu của tỉnh”.

Hiện tại, diện tích trồng khóm của tỉnh đạt hơn 3.100ha, tập trung ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ. Trong đó, diện tích khóm cho trái hàng năm đạt khoảng 2.700ha, năng suất bình quân đạt 15,8 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt gần 42.900 tấn. 

Riêng thành phố Vị Thanh, diện tích trồng khóm đạt khoảng 2.400ha, sản lượng cung ứng cho thị trường hơn 40.000 tấn/năm.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Để giúp người trồng khóm của địa phương canh tác hiệu quả, hạn chế dịch bệnh tấn công thì thời gian qua ngành chức năng thành phố đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. 

Cụ thể, hiện thành phố có 50ha khóm đạt chứng nhận quy trình sản xuất VietGAP và 30ha đạt chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm…

Qua đây góp phần tiêu thụ ổn định mặt hàng khóm cho người dân địa phương. Hướng tới, thành phố tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn cho nông dân vùng khóm để bà con sản xuất đạt hiệu quả hơn.

Hữu Phước (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem