Tăng cường xuất khẩu, nâng giá trị ngành chăn nuôi gia cầm: Xây dựng chuỗi, chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 12/05/2023 15:51 PM (GMT+7)
Nhằm tăng cường xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi gia cầm, theo Cục Chăn nuôi, các địa phương và doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi, chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) để xuất khẩu.
Bình luận 0

Xây dựng chuỗi và vùng ATDB để phục vụ thị trường

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Giai đoạn từ năm 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mặt hàng đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi quá cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao. Ông Johan van den Ban – Giám đốc Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết, giá gia cầm sụt giảm thời gian qua có ảnh hưởng nhất định đến các đối tác của công ty. 

Tuy nhiên, lãnh đạo De Heus cho rằng, biến động giảm này chỉ trong ngắn hạn. Thị trường sẽ phục hồi và khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối năm.

Tăng cường xuất khẩu, nâng giá trị ngành chăn nuôi gia cầm: Xây dựng chuỗi, chăn nuôi an  toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Chế biến gà phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở phía Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Xây dựng được cơ sở, vùng ATDB đã khó, việc duy trì các vùng ATDB này càng phải nỗ lực. Kể cả không xuất khẩu, chăn nuôi gia cầm vẫn phải

đảm bảo ATDB vì chính nhu cầu của người dùng

trong nước".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Chuỗi giá trị của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà với nhà máy ấp trứng gia cầm tại thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đã đi vào hoạt động tháng 4/2021. "De Heus vẫn đang nỗ lực cùng các đối tác và nông liên kết chuỗi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch để phục vụ thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu" - ông Johan nói.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, những năm qua, tỉnh thu hút được rất nhiều dự án chăn nuôi. Phần lớn trong số đó là các trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và khép kín. Hiện Tây Ninh có tổng đàn gia cầm 9 triệu con, với 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó có 76 trang trại chăn nuôi gà và 31 trang trại chăn nuôi vịt. 

Đây là một dấu hiệu đáng mừng với Tây Ninh. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi gia cầm phát triển nhanh cũng đặt ra những yêu cầu lớn về vấn đề quản lý môi trường, các vấn đề về an toàn dịch bệnh. Nếu không kiểm soát tốt, dù có đề phòng kỹ thế nào mà vẫn để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Theo ông Xuân, muốn tham gia xuất khẩu, nâng cao giá trị chăn nuôi gia cầm, các trang trại chăn nuôi phải nằm trong vùng an toàn dịch bệnh. Và muốn vùng an toàn dịch bệnh này mở rộng, các tỉnh thành phải liên kết các vùng chăn nuôi sạch lại với nhau. 

"Tây Ninh sẽ liên kết với các tỉnh liền kề như Bình Dương, Bình Phước... để tạo ra vùng xanh với dịch bệnh. Vùng xanh càng lớn thì hiệu quả bảo vệ đàn gia cầm trước dich bệnh càng cao" - ông Xuân nói.

Hỗ trợ xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn quốc tế

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, tỉnh có tổng đàn gà hơn 23 triệu con. Đến nay, Đồng Nai đã công nhận 7 vùng ATDB với cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Theo ông Sinh, chăn nuôi gà quy mô nông hộ ở Đồng Nai tuy chiếm tỷ lệ thấp (<10%) nhưng vẫn có hơn 18.000 nông hộ tham gia. Nhiều nông hộ lại chưa quan tâm đến quản lý dịch bệnh. Vì thế các ổ dịch lẻ tẻ vẫn xảy ra, ảnh hưởng tới công tác duy trì vùng ATDB. Thêm vào đó, quyền lợi của cơ sở ATDB chưa có nhiều khác biệt so với cơ sở chưa ATDB nên khó khuyến khích xây dựng cơ sở ATDB.

Đối với xây dựng vùng ATDB chuẩn Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ông Sinh cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang thiếu về cơ chế pháp lý (bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ), và hướng dẫn chuyên môn bằng văn bản của Bộ NNPTNT để có căn cứ xây dựng kế hoạch, và dự toán kinh phí thực hiện.

Vì thế ông Sinh kiến nghị, Bộ NNPTNT trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương và hướng dẫn chuyên môn để có căn cứ xây dựng vùng ATDB theo chuẩn OIE. Đồng thời, xung quanh vùng ATDB, ngành nông nghiệp cần xác định rõ vùng đệm là xã và các xã xung quanh có cơ sở nuôi gà thương phẩm cho Công ty TNHH De Heus Việt Nam. 

"Cùng với đó, ngành cần có hướng dẫn giám sát dịch bệnh ở vùng đệm quanh các doanh nghiệp xuất khẩu" - ông Sinh kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng còn nhiều nhiệm vụ phải đặc biệt lưu tâm. Trong đó ngành phải tiếp tục kiểm soát tốt các cái loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là ở những vùng đã công nhận ATDB.

Theo ông Long, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì trong nước phải nâng cấp vùng ATDB phải nâng lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). "Đồng thời, các cái doanh nghiệp, các cái địa phương cần phải đẩy mạnh các xây dựng các chuỗi; nhất là phát triển sản phẩm chế biến sâu để nâng cao cái giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm" - ông Long chia sẻ thêm.

Phát biểu tại hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tổ chức tại Tây Ninh ngày 11/5, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, các địa phương và doanh nghiệp cần nhận thức rõ ATDB để có hành động quyết liệt. Bởi vì đã hội nhập, đảm bảo ATDB phải là hàng đầu. Thứ trưởng đề nghị, các tỉnh thành cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thực hiện kỹ quy định của OIE, đảm bảo kế hoạch và thực hiện tổ chức vùng ATDB.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế Thứ trưởng Tiến cho rằng, khâu kiểm soát dịch bệnh gia cầm trong nước đang thực hiện khá tốt nhưng không thể chủ quan. Ngay cả với 2.300 cơ sở ATDB cũng cần rà soát lại. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem