Tại sao Sơn La lại là "hiện tượng kinh tế nông nghiệp" của miền Bắc?

Thiên Hương Thứ tư, ngày 08/06/2022 05:47 AM (GMT+7)
Có dịp đến các xã vùng cao của tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng gặp những vườn cây ăn quả xanh ngát ngút tầm mắt, những vườn xoài được gắn biển sản xuất VietGAP, theo hướng hữu cơ được bà con dùng túi bao trái cẩn thận...
Bình luận 0

Đó chính là kết quả từ phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân Sơn La.

Sơn La hình thành phong trào bao trái xoài

Vùng sản xuất nông nghiệp của xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) có quy mô 1.800ha,với các loại cây trồng chính như xoài, nhãn, mận hậu, thanh long... Trong đó có 70ha đang thâm canh xoài theo hướng hữu cơ, do 20 hộ dân thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ sản xuất, nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trái cây trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Phớ - thành viên HTX Nà Hạ cho biết, năm 2015, gia đình ông chuyển đổi 1,5ha đất trồng ngô, sắn sang trồng xoài Đài Loan. Qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng xoài trên sách báo, các lớp tập huấn, ông Phớ cho biết, thay vì chú trọng năng suất, gia đình luôn đề cao việc đầu tư chăm sóc cây xoài để nâng cao chất lượng, mẫu mã quả. 

Theo đó, ông tận dụng bã bùn mía để ủ phân hữu cơ bón cho xoài; khi xoài ra quả bằng độ 2 ngón tay thì tiến hành bao trái. Năm 2021, gia đình ông thu hoạch 25 tấn xoài, bỏ túi hơn 200 triệu đồng.

Bước đột phá sản xuất của nông dân Sơn La: Đưa cây ăn quả lên đất dốc, mở rộng bao trái - Ảnh 1.

Ông Lò Văn Pản - Giám đốc HTX Hợp Lực Pản Phong, xã Chiềng Ngần (TP.Sơn La) kiểm tra sự sinh trưởng của quả xoài được bao trái. Ảnh: Nguyễn Chương

"Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương có cơ chế chính sách để xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng; quan tâm đầu tư trung tâm chiếu xạ tại Sơn La; hỗ trợ bảo hiểm cho một số loại cây ăn quả mà Sơn La có lợi thế xuất khẩu…".

Ông Lường Trung Hiếu -

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La

Cùng ở xã Hát Lót, hộ ông Lò Văn Pầng có 4,5ha trồng xoài Đài Loan, trong đó có 1ha đã cho thu hoạch. 

Ông Pầng cho biết: Năm ngoái, 1ha xoài cho gia đình ông thu được 15 tấn quả, chủ yếu bán trực tiếp cho thương lái đến vườn thu mua. Nhờ áp dụng kỹ thuật bao trái xoài mà quả không bị sâu bệnh, mẫu mã đẹp hơn, bán được giá hơn.

"Vài năm gần đây, nhà tôi đều áp dụng kỹ thuật bao trái, tỉa cành tạo tán, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm sóc xoài. Túi bao trái xoài có giá khoảng 2.500 đồng/cái, nhưng có thể dùng được 3-4 vụ nên hầu như nhà nào cũng áp dụng" - ông Pầng nói.

"Hiện tượng" kinh tế nông nghiệp Sơn La: Đưa cây ăn quả lên đất dốc, hình thành phong trào bao trái - Ảnh 3.

Những vườn xoài rộng mênh mông ở xã Chiềng Ngần được bà con thực hiện bao trái, đầu tư hệ thống tưới phun sương hiện đại. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Tòng Văn Ơn - Trưởng bản Nà Hạ thông tin: Cây xoài trồng trên đất dốc, sườn núi đang đem lại thu nhập cao cho bà con. Trung bình 1ha, cây xoài đem lại giá trị khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng ngô, lúa.

"Nhờ đưa cây ăn quả trồng trên đất dốc mà đến nay, cả bản chỉ còn 9 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo; số hộ khá giàu tăng, xây dựng được nhà cửa kiên cố. Mong muốn của bà con hiện nay là có thêm những lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho các thành viên HTX; tư vấn, hỗ trợ pháp lý giúp các hộ thành viên HTX vay vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất" - ông Ơn chia sẻ.

Còn tại xã Chiềng Ngần (TP.Sơn La), ngay khi bước vào vụ xoài, HTX Hợp Lực - Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Phong đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.

Theo Hội Nông dân tỉnh, đây là kỹ thuật nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã quả xoài Sơn La nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính.

"Hiện tượng" kinh tế nông nghiệp Sơn La: Đưa cây ăn quả lên đất dốc, hình thành phong trào bao trái - Ảnh 4.

Chị Lò Thị Duyên, thành viên HTX Hợp Lực, xã Chiềng Ngần thực hiện bao trái xoài nhằm nâng cao chất lượng quả xoài. Ảnh: Nguyễn Chương

Hiện tượng kinh tế nông nghiệp của cả nước, hình thành thủ phủ cây ăn trái miền Bắc

Mới đây, tại buổi phát động phong trào bao trái cây, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, chất lượng an toàn; tăng cường xây dựng mã số vùng trồng trong xuất khẩu, tiêu thụ chế biến sản phẩm. 

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản...

Làm việc với Tỉnh ủy Sơn La cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, tỉnh Sơn La có bước bứt phá trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi; trong đó việc "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng.

Điều đó cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Trong 5 năm gần đây, Sơn La nổi lên như một "hiện tượng kinh tế nông nghiệp" của cả nước bằng bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Với 84.000ha cây ăn quả cho sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước.

Sơn La đang duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; cấp 183 mã vùng trồng cây ăn quả với diện tích hơn 4.700ha xuất khẩu sang thị trường 14 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Úc, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro và đối mặt với nhiều thách thức…

Ông Lò Văn Pản - Giám đốc HTX Hợp Lực Pản Phong, xã Chiềng Ngần (TP.Sơn La) chia sẻ: HTX có trên 21ha nhãn, xoài, mận trồng theo quy trình VietGAP, với 15 thành viên. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra các mặt hàng nông sản của HTX hiện vẫn trôi nổi theo thị trường, việc tham gia chuỗi ngành hàng còn gặp khó khăn.

"Hiện nay sản phẩm của HTX chỉ bán cho thương lái thôi nên giá cả không ổn định. Rất mong Chính phủ, các cấp các ngành hỗ trợ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân" - ông Pản nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem