Tại sao lợi nhuận người trồng lúa không tăng, còn các công ty phân bón, thuốc trừ sâu... đều giàu lên?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 02/08/2022 17:11 PM (GMT+7)
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lợi nhuận người dân trồng lúa không tăng trong thời gian dài. Trong khi đó, tất cả những công ty, những người cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty lương thực đều giàu lên.
Bình luận 0

Tại hội thảo chính sách phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức hôm qua 1/8, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lợi nhuận người dân trồng lúa ở ĐBSCL được khoảng 30%.

Tại sao lợi nhuận người dân trồng lúa không tăng, còn các công ty phân bón, thuốc trừ sâu...đều giàu lên? - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lợi nhuận người dân trồng lúa không tăng trong thời gian dài. Trong khi đó, tất cả những công ty, những người cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty lương thực đều giàu lên. Ảnh: Huỳnh Xây

"Lợi nhuận người dân trồng lúa không tăng trong thời gian dài. Tôi nhớ đã rất lâu rồi, lúc đó vỏ trấu phải mướn đem đi đổ nhưng sau này, giá vỏ trấu có lúc tăng bằng 2/3 giá lúa nhưng lợi nhuận người dân trồng lúa vẫn không tăng thêm" - ông Thòn nói.

Ông Thòn nói tiếp: "Tại sao vậy, ai đó đã lấy đi của người nông dân? Trong khi đó, tất cả những công ty, những người cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty lương thực đều giàu lên".

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phân tích, thực tế nói trên cho thấy việc phân bổ lợi nhuận chưa hợp lý. Thời gian qua, tất cả những công ty đưa sản phẩm cho nông dân trồng lúa đều không tính thuế, chi phí vận chuyển vào chi phí của họ mà đều tính vào giá thành sản xuất lúa.

"Tất cả chi phí đều đè lên người dân trồng lúa, từ đó người dân không thể tăng thêm lợi nhuận" - ông Thòn khẳng định.

Trong khâu chế biến, theo ông Thòn, gần như các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ bán gạo, chưa bán cám, tấm, vỏ trấu (phụ phẩm và phế phẩm) ra nước ngoài. Trong khi đó, những phụ phẩm và phế phẩm này hoàn toàn có thể chế biến sâu, thành chính phẩm và bán có giá trị cao.

Ông Thòn tin rằng, khoa học kỹ thuật của nước ta sớm hay muộn cũng làm được công việc trên, tức chế biến sâu sản phẩm thứ cấp sau gạo thành chính phẩm và bán có giá trị cao. Riêng phía Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang làm vấn đề này, có thể giúp tăng thêm thu nhập một lần nữa cho người nông dân trồng lúa.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Thòn, nếu tổ chức lại sản xuất tốt, có thể giúp người dân giảm 50% chi phí sản xuất lúa.

"Theo tôi, nếu làm tốt 3 việc phân bổ lại lợi nhuận, tổ chức lại sản xuất sao cho giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật phục vụ chế biến sâu phụ phẩm và phế phẩm thành chính phẩm thì hoàn toàn có thể giúp người dân trồng lúa tăng thu nhập thêm gấp 3 lần" - ông Thòn khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem