Tái canh cây cà phê: Nhiều địa phương không đạt kế hoạch, nông dân không mặn mà

Ngọc Giàu Thứ bảy, ngày 25/06/2022 10:30 AM (GMT+7)
Việc nông dân khó tiếp cận các nguồn vốn chính sách để tái canh cây cà phê đang là bài toán khó, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ người nông dân giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận 0

Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ NNPTNT tổ chức ngày 24/6, cả nước hiện có 710.000ha cà phê, là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 2 về diện tích, chỉ sau cao su.

Tái canh cây cà phê: Nhiều địa phương không đạt kế hoạch, nông dân không mặn mà - Ảnh 1.

Việc tái canh cây cà phê còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn - Ảnh: N.G

Năng suất cà phê của Việt Nam đạt trung bình 2,8 tấn/ha, cao gấp hơn 3 lần so với thế giới, sản lượng đạt khoảng 1,8 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Brazil. Hiện có hơn 20 tỉnh trồng cà phê, khoảng 90% diện tích tập trung ở Tây Nguyên. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,56 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với năm 2020. 
Riêng tại Đắk Lắk hiện có trên 210.000ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt trên 520.000 tấn cà phê nhân. Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tái canh cây cà phê: Nhiều địa phương không đạt kế hoạch, nông dân không mặn mà - Ảnh 2.

Nông dân còn e ngại trong việc tái canh cây cà phê vì phần nào làm giảm thu nhập - Ảnh: N.G

Giai đoạn 2014- 2020 tỉnh Đắk Lắk cần tái canh gần 41.600ha, tuy nhiên thực tế mới chỉ thực hiện được 35.400ha, đạt 85% so với kế hoạch. Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tâm lý của người dân còn chần chừ không muốn tái canh vì khi tái canh cần một thời gian để luân canh, kiến thiết cơ bản do đó thu nhập của bà con bị giảm sút nghiêm trọng". 
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết việc tái canh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. “Thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực nhưng người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số lâu nay ít quan tâm đến việc cấp bìa đỏ, mà khi chưa có bìa đỏ thì việc vay vốn đang gặp khó khăn”, ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đề án tái canh đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam cụ thể là việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem