Sử dụng đệm lót, nhà nông Thái Bình nuôi bò nhàn tênh, cuối năm bán 50 con thu gần 2 tỷ

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 09/03/2021 12:02 PM (GMT+7)
Thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ thức ăn, thuốc thú y, men vi sinh làm đệm lót trong chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.
Bình luận 0

Tham gia dự án, các hộ gia đình được hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật…, kết hợp với chăn nuôi bài bản nên nhiều hộ đã có thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi trâu, bò thương phẩm khi áp dụng đệm lót sinh học.

Nuôi bò nhàn tênh

Gia đình anh Phạm Văn Sáng (ở xã Văn Cẩm, Hưng Hà) là 1 trong 6 hộ tham gia dự án với quy mô 12 con bò. Nói về trang trại nuôi bò rộng 1ha của mình, anh Sáng phấn khởi cho biết, gia đình anh đang nuôi 100 con bò với các giống bò BBB, Brahman, lai Sind đều với trọng lượng trên 500kg/con, nhưng khu chuồng nuôi lúc nào cũng khô ráo, thoáng mát và không hề có mùi hôi.

Sử dụng đệm lót, nhẹ công nuôi bò - Ảnh 1.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu bò, anh Phạm Văn Sáng ở xã Văn Cẩm (Hưng Hà) có thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: M.N

Đệm lót sinh học cho bò được làm bằng các nguyên liệu: Trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa, lõi ngô... có độ dày từ 30 - 40cm; sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu sau đó đậy kín mặt bằng bằng bạt hoặc nylon trong 1 tuần để đệm lót lên men vi sinh. Chi phí làm đệm lót sinh học khoảng 120.000 đồng/m2, sau 3 tháng sử dụng có thể bổ sung giá thể (trấu, mùn cưa, xơ dừa...). Sau 6 tháng sử dụng có thể thay thế nền đệm lót, người chăn nuôi có thể tận dụng đệm lót đã sử dụng này làm phân bón cho cây trồng.

Trước đây, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, anh Sáng phải dành khá nhiều thời gian để tắm cho bò, rửa chuồng, gom chất thải. Song từ khi sử dụng đệm lót, chỉ cần dành 1 - 2 giờ để đảo đệm lót, toàn bộ phân và nước tiểu đều được hấp thu và chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh.

Theo anh Sáng, mỗi lượt đệm lót có thể sử dụng khoảng 1 tháng. Đệm lót có chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi nên sẽ sinh nhiệt, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, từ đó góp phần tăng sức đề kháng và giảm bệnh tật cho bò. 

Nhờ đó đàn bò lớn nhanh, cuối năm 2020 vừa qua trang trại của anh xuất bán 50 con bò thịt, trọng lượng 600-700kg/con. Nhờ nuôi bò vỗ béo, mỗi năm anh Sáng đạt thu nhập gần 2 tỷ đồng.

Thời gian tới anh Sáng quyết định sẽ áp dụng đệm lót sinh học cho toàn bộ chuồng trại, liên kết với các hộ nông dân để tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất.

Anh Phạm Xuân Khánh (thôn Hưng Quan, xã Trọng Quan, Đông Hưng) cũng đang sở hữu 140 con bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Bắt đầu chăn nuôi từ đầu năm 2020, anh Khánh đầu tư xây dựng chuồng trại thông thoáng, nền bê tông thuận lợi cho vệ sinh chuồng trại. Dù hàng ngày anh đều thu dọn phân bò nhưng bên trong chuồng vẫn còn mùi hôi.

Đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, đàn trâu, bò của tỉnh đạt 70.000 - 75.000 con trở lên. Đến hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 180.000 con, xây dựng được 8 trang trại "lõi" trở lên...

Tuy nhiên từ khi tham gia dự án sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò, anh nhận thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tiết kiệm nước, thuốc thú y cũng như nguồn nhân lực, bởi người chăn nuôi gần như không phải sử dụng đến thuốc thú y, không cần dùng nước để rửa chuồng. Nước chỉ dùng để phun tạo độ ẩm cho nền chuồng mà thôi.

"Khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi mất khoảng 4 - 5 giờ để xịt rửa, gom phân và nước tiểu của bò nhưng chuồng trại vẫn rất hôi. Sau khi dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày lao động của trang trại chỉ cần 1 - 2 giờ để san, đảo đều phân trên bề mặt đệm lót giúp sạch mùi hôi, chuồng trại khô ráo. Bên cạnh đó, ruồi muỗi, ve ký sinh trên bò và quanh chuồng trại cũng giảm hẳn" - anh Khánh chia sẻ.

Phát triển theo chuỗi liên kết bền vững

Theo ông Trần Minh Hưng - Giám đốc TTKN tỉnh Thái Bình, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025, thời gian qua TTKN tỉnh và các địa phương đã tích cực chuyển giao thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển chăn nuôi đại gia súc, giúp người chăn nuôi có sinh kế bền vững.

Theo đó, Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi trâu, bò, nhất là trâu bò nuôi thịt, vỗ béo do có diện tích trồng cây lương thực, thực phẩm có hạt lớn như lúa, ngô...

Với việc khuyến khích người nuôi bò sử dụng tối ưu nguồn thức ăn thô xanh sẵn có tại địa phương, kết hợp thức ăn hỗn hợp và chế phẩm bổ sung, đồng thời giảm gây ô nhiễm môi trường bằng đệm lót sinh học, năm 2020, TTKN tỉnh Thái Bình đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình nuôi bò thịt thương phẩm quy mô nông hộ sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường".

Khi tham gia dự án, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y, men vi sinh làm đệm lót. Ban đầu, dự án thu hút sự tham gia của 6 hộ, quy mô 40 con bò thịt, mô hình được người chăn nuôi đánh giá cao. 

"Các giống bò lựa chọn thực hiện mô hình đều là các giống bò lai với bò thịt cao sản, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, tẩy nội ngoại ký sinh trùng theo quy định. Theo đánh giá, sau khi nghiệm thu các mô hình, đàn bò thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của chủ hộ" - ông Hưng thông tin. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem