Startup đưa gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số sang Mỹ

31/08/2022 07:30 GMT+7
Startup Gạo lứt rẫy Bh.nong đang làm hồ sơ chứng nhận FDA (Food and Drug Administration - Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) để có thể xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ.

Võ Thị Minh Nga - nhà sáng lập Gạo lứt rẫy Bh.nong chuyên các thực phẩm dinh dưỡng từ gạo lứt kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng cho 10% cổ phần tại Shark Tank Việt Nam.

Minh Nga là người Quảng Nam. Chị từng rời bỏ quê hương nghèo vì hầu như không có cơ hội cho người trẻ. Sau 10 năm học tập và làm việc trong ngành báo, trăn trở với câu hỏi tại sao mọi người lại bỏ quê đi, Minh Nga quyết định quay trở lại quê hương.

Thuyết phục các Shark đầu tư, Minh Nga đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, các sản phẩm của Bh.nong đều được sáng tạo từ gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Gạo lứt được gieo theo phương thức truyền thống, không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Hiện Bh.nong đã đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm chính gồm trà gạo lứt, bột gạo lứt và bánh gạo lứt.

Thứ hai, mô hình kinh doanh của Bh.nong là sản xuất và phân phối đến các đại lý, nhà phân phối khắp cả nước. Doanh thu năm 2021 của Bh.nong là 10 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2022 sẽ đạt mốc 15 tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2023 sẽ tăng trưởng 100%, đạt mức doanh thu 30 tỷ đồng. Minh Nga khẳng định, chính vì Bh.nong đang trong giai đoạn tăng trưởng nên việc đầu tư vào startup trong thời điểm này là lý tưởng nhất.

Startup đưa gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số sang Mỹ - Ảnh 1.

Startup đưa gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số sang Mỹ

Thứ ba, thương hiệu Bh.nong do Minh Nga sáng lập mà không phải một người khác. Chị khẳng định, phải là người địa phương, có sự tìm hiểu nhất định về văn hóa vùng miền mới có thể khai thác được tối đa nguồn nguyên liệu này.

Hiện nay Bh.nong tự sản xuất sản phẩm với nhà máy rộng 600 mét vuông. Các sản phẩm của Bh.nong đã đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chứng nhận ISO 2000:2018.

Bh.nong bán theo mô hình B2B (Business to Business - Doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp) cho 200 đại lý, nhà phân phối khắp cả nước. Các đại lý này đều triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Vì thế, Minh Nga tự truyền thông, không tốn chi phí, nhưng lợi nhuận năm 2021 của Bh.nong vẫn đạt 30%.

Theo thống kê, Quảng Nam có khoảng 4.000 ha diện tích trồng lúa rẫy, năng suất hàng năm đạt khoảng 600.000 tấn. Hiện tại Bh.nong mới chỉ thu mua được khoảng 1/20 nguồn nguyên liệu sẵn có. Minh Nga cho biết, startup có thể bắt tay với người đồng bào dân tộc để có nguồn cung lớn hơn khi phát triển quy mô doanh nghiệp.

Chị lý giải, người đồng bào dân tộc hiện nay rất muốn bảo tồn giống lúa này nhưng khi không có đầu ra, họ chỉ trồng trong quy mô nhỏ. "Khi mình bắt tay với họ thì một phần họ có thể bảo tồn được tập tục văn hóa, phần khác thì họ có thêm thu nhập", Minh Nga nói.

Startup đưa gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số sang Mỹ - Ảnh 2.

Võ Thị Minh Nga - nhà sáng lập Gạo lứt rẫy Bh.nong

Điểm đặc biệt của gạo lứt này là có sức sống mãnh liệt, thích nghi với mọi địa hình cũng như thời tiết. "Mọi người thường ví cây lúa rẫy giống hình ảnh của những người miền Trung, khó khăn gian khổ vẫn cứ nảy mầm và vươn lên rất tươi tốt", Minh Nga ví von.

Minh Nga cho biết đang làm hồ sơ chứng nhận FDA (Food and Drug Administration - Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) để có thể xuất khẩu sản phẩm này. Hiện tại Startup đã có đại lý ở Mỹ và Nhật nhưng theo đường tiểu ngạch chứ chưa chính ngạch.

Shark Hùng Anh lên tiếng: "Anh là người Quảng Nam. Anh đi lên cũng giống như em. Cho nên bây giờ để hai anh em chúng ta cùng nhau giúp cho bà con quê mình, anh sẽ đầu tư cho em 5 tỷ đồng để sở hữu 20%".

"Anh còn giúp em được nhiều, kể cả em bán ra nước ngoài. Em muốn làm gì anh cứ để hết cho em làm. Anh tin em làm được", Shark Hùng Anh thuyết phục thêm và nhận được cái gật đầu của startup Bh.nong.

Theo Theleader
Cùng chuyên mục