dd/mm/yyyy

Sông Chà Và ô nhiễm, người nuôi cá trắng tay

Tình trạng nước ô nhiễm kéo dài khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, người nuôi cá trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) gần như kiệt quệ, nợ nần chồng chất.

Nuôi cá, nợ tiền tỉ

Đến sông Chà Và, hỏi bè nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ thôn 6, xã Long Sơn) ai cũng biết. Từ năm 2012 đến nay, nước sông Chà Và liên tục bị ô nhiễm khiến cá nuôi lồng bè chết nên gia đình chị Thúy lâm cảnh nợ nần, kiệt quệ.

Cá chim ở lồng bè sông Chà Và chết sau đợt ô nhiễm đầu tháng 8.2017 (Ảnh: Nguyễn Long)
Cá chim ở lồng bè sông Chà Và chết sau đợt ô nhiễm đầu tháng 8.2017 (Ảnh: Nguyễn Long)

Trưa 29.8, chúng tôi gặp chị Thúy dưới chân cầu Chà Và khi chị cùng vài hộ nuôi cá lồng bè lên Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp bí thư tỉnh ủy để yêu cầu các doanh nghiệp (DN) trả tiền bồi thường do gây ô nhiễm khiến cá chết vào năm 2015. “Cá chết đã gần một năm qua, tòa án cũng đã yêu cầu các DN gây ô nhiễm bồi thường cho dân nhưng họ chây ì không trả. Giờ gặp được ông bí thư và nghe hứa sẽ yêu cầu các DN trả tiền trong vòng hai tháng, nên chúng tôi mừng lắm”, chị Thúy chia sẻ.

Từ năm 2012, nước sông Chà Và ô nhiễm khiến cá nuôi lồng bè chết liên tục. Năm 2015, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân, xác định do các DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả nước thải làm nước sông ô nhiễm. Từ kết quả này, 33 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và nộp đơn đến TAND TP.Vũng Tàu khởi kiện yêu cầu 14 DN chế biến hải sản bồi thường hơn 13 tỉ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm năm 2016, TAND TP.Vũng Tàu đã buộc các DN bồi thường cho người dân số tiền trên. Sau đó, 9 DN đã kháng án lên TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuối tháng 7.2017, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử phúc thẩm vụ án này. Trong nhiều ngày diễn ra phiên tòa, một số DN thỏa thuận bồi thường hơn 5,5 tỉ đồng cho 33 hộ dân. Tính đến ngày 29.8, còn 8 DN chưa bồi thường với số tiền hơn 4,5 tỉ đồng. Đầu tháng 8.2017, nước sông Chà Và tiếp tục ô nhiễm khiến cá, tôm nuôi lồng bè của hơn 40 hộ dân chết hàng loạt. Ngày 21.8, sông Chà Và lại hứng chịu một lượng lớn "chất lạ" nghi là dầu. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước để phân tích, đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo ghi nhận của Thanh Niên ngày 30.8, các "chất lạ" này vẫn còn bám vào lưới, rong rêu và các phao nổi của lồng bè. Nhiều hộ dân cho biết cá và tôm nuôi lồng bè ăn ít và chết dần.

Gia đình chị Thúy có cha mẹ và các anh chị gồm 7 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và. Nghề nuôi cá đã giúp cả nhà chị Thúy sung túc nhưng không được bao lâu, giờ đây lâm cảnh nợ nần chồng chất. Cha chị Thúy là ông Nguyễn Văn An nợ tiền ngân hàng và tiền vay nóng để nuôi cá gần 2 tỉ đồng. Chị Thúy cùng các anh chị mình cũng nợ khoảng 2 tỉ đồng, toàn là tiền vay nóng. “Các chủ nợ đã siết hết đất ruộng muối, bè cá, ghe... Ngày tôi được một số DN trả tiền bồi thường vài chục triệu đồng, tưởng có ít vốn liếng tiếp tục mua cá giống về thả. Vậy mà chủ nợ đến tận nơi lấy tiền trên tay mình”, chị Thúy sụt sùi.

Hoàn cảnh chị Phạm Thị Hồng Cẩm (27 tuổi) cũng bi đát không kém. Hai vợ chồng chị Cẩm ngụ xã Long Sơn, có một tiệm hàn sắt. Thấy việc làm ăn trên bờ không mấy sáng sủa, chị Cẩm làm 8 lồng bè nuôi cá trên sông Chà Và hơn 3 năm nay. Năm đầu tiên, chị Cẩm thả 2.000 con cá chim giống, sau khi thu hoạch thì hòa vốn. Năm sau, gia đình chị mạnh dạn thả 7.000 con cá chim nhưng nuôi không được bao lâu thì nước sông Chà Và ô nhiễm vào năm 2015 khiến cá chết còn hơn 2.000 con. Bị thua lỗ nhưng được gia đình hỗ trợ nên cách đây 4 tháng, vợ chồng chị tiếp tục thả 14.000 con cá chim giống để nuôi. “Cách đây hai tháng, chồng tôi bị tai nạn qua đời. Đầu tháng 8, nước sông tiếp tục ô nhiễm khiến cá chết chỉ còn 1.000 con. Chồng chết, cá gần như không còn, tôi kiệt quệ nhưng phải ráng gượng dậy để còn nuôi hai con nhỏ”, chị Cẩm chia sẻ.

Lồng bè xác xơ

Nước sông Chà Và ô nhiễm bắt đầu từ thượng nguồn là khu chế biến hải sản tập trung xã Tân Hải (H.Tân Thành). Các DN chế biến hải sản xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và khiến cá nuôi lồng bè liên tục chết. Sau mỗi lần cá chết trắng, người dân lại tiếp tục vay tiền, thế chấp nhà đất để mua cá về nuôi. Khi cá chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì nước sông lại ô nhiễm, cá nuôi lại chết hàng loạt. Mỗi năm nước sông có đến vài lần ô nhiễm nên người dân không còn vốn liếng để tiếp tục nuôi cá. Nhìn các lồng bè bây giờ xơ xác, người dân ai nấy tiếc nuối.

Đã có không ít người bỏ bè cá lên bờ trốn nợ, hay đi làm thuê làm mướn. Chẳng hạn gia đình chị B. bỏ bè về Cà Mau làm công nhân. Gia đình bà Bùi Thị Ngọc (56 tuổi, quê Thanh Hóa) vào TP.Vũng Tàu sinh sống, sau đó, bà đến sông Chà Và để nuôi cá hơn 6 năm nay. Do đầu nguồn sông Chà Và ô nhiễm nên gia đình bà Ngọc kéo lồng bè xuống hạ nguồn tiếp tục nuôi. “Đầu tháng 8, nước sông ô nhiễm khiến cá nuôi chết hết. Chồng con tôi giờ phải đi làm rập. Lồng bè không còn cá để nuôi ngoài vài lồng tôm”, bà Ngọc than thở.

Đối diện lồng bè của bà Ngọc là của bà D., có chồng là người Đài Loan. Chỉ vào lồng bè của bà D. toàn lưới trơ trọi trên mặt bè, bà Ngọc nói: “Nước ô nhiễm hoài nên nhà bà này lên bờ ở luôn. Chúng tôi xa quê nên vẫn bám vào con sông này chứ càng nuôi càng chết”, bà Ngọc ngao ngán nói và cho hay hiện nhà bà đã vay nóng gần 1 tỉ đồng.

Nguyễn Long