Số lượng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do lạm dụng kháng sinh và hóa chất giảm

Trần Quang Thứ bảy, ngày 07/01/2023 07:01 AM (GMT+7)
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 6/1, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, năm 2022, số lượng các sản phẩm xuất khẩu bị trả về do lạm dụng kháng sinh và hóa chất giảm so với những năm trước.
Bình luận 0
Trên 90% nguồn hàng phục vụ Tết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội. Ảnh: TQ

Thực hiện nhiệm vụ kép

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục  trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho biết, năm 2022, công tác quản lý chất lượng nông sản và đảm bảo vệ sinh ATTP tập trung thực hiện mục tiêu kép. 

Đó là góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Tiệp cho biết thêm, thời gian qua, ngành đã tập trung vào kiểm soát ATTP. Tuy nhiên, thời gian tới sứ mệnh của ngành phải đảm bảo cả về chất lượng, quyền lợi người tiêu dùng.

Đó là minh bạch sản phẩm. Các sản phẩm dù không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng sản phẩm ghi nhãn như thế nào, thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm thế nào, sản phẩm có biến đổi gen hay không… phải đảm bảo đúng như vậy. Chẳng hạn nước mắm ghi nhãn 20% độ đạm nhưng nếu kiểm tra thấy không đạt tức là doanh nghiệp đó đã vi phạm, lừa dối người tiêu dùng.

“Sức khỏe là cái lõi. Nhưng chỉ khi nào đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thì mới phát triển bền vững”, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Trước việc một số cơ quan truyền thông vừa qua có phản ánh có tình trạng trâu, bò nghi nhập lậu cũng như nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam có khả năng đã sử dụng các chất cấm, ông Tiệp cho hay: Lãnh đạo ngành nông nghiệp đã chỉ đạo lực lượng thú y kiểm soát nhập khẩu về dịch bệnh và ATTP để kịp thời phát hiện ngăn chặn.

Trên 90% nguồn hàng phục vụ Tết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Nhiều gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP bên lề hội nghị. Ảnh: TQ

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cũng có văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý an toàn thực phẩm các địa phương tăng cường giám sát sau nhập khẩu tại lò mổ và chợ. Lấy mẫu kiểm tra chất cấm, ATTP để có biện pháp kiểm soát và truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Tiệp, đến nay, cả nước có 2.510 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì, tăng 866 chuỗi so với năm 2021. Cùng với đó, có trên  244.189 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 13.272 doanh nghiệp được chứng nhận; nuôi trồng thủy sản có gần 89.120 ha được cấp chứng nhận VietGAP với 847 cơ sở được chứng nhận; 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Cả diện tích và số cơ sở đều tăng so với năm 2021.

Năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã thực hiện lấy 2.916 mẫu thủy sản nuôi giám sát vệ sinh ATTP, phát hiện 49 mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 1,6% (tăng hơn năm 2021 là 1,39%); 5/350 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phát hiện vi sinh vật (E.coli).

Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, phát hiện 6/647 mẫu vi phạm (chiếm 0,92%). 

Cục Thú y đã lấy 1.380 mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật nhập khẩu không phát hiện vi phạm; lấy và phân tích 962 lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa và phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 1 mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%).

Các địa phương lấy 35.506 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 1.384 mẫu vi phạm ATTP, chiếm 3,89% (giảm so với 4,2% năm 2021).

Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã tổ chức đánh giá nguy cơ, cảnh báo kịp thời tới Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và các địa phương phối hợp kiểm tra, xác minh nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, năm 2022, ngành nông nghiệp đã thực hiện thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 2.244 cơ sở với số tiền phạt 20,14 tỷ đồng. Kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ý thức của người dân, doanh nghiệp về chất lượng, ATTP được nâng cao.

 Tập trung xây dựng chuỗi giá trị ATTP tại 3 thành phố lớn

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, năm 2022, số lượng các sản phẩm xuất khẩu bị trả về do lạm dụng kháng sinh và hóa chất giảm so với những năm trước. Vấn đề truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đồng loạt tại các địa phương. Việc đảm bảo yêu cầu thực phẩm cũng góp phần đưa giá trị  xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt trên 53,2 tỷ USD.

Đồng thời, theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, năm 2022, những cơ chế chính sách liên quan đến công tác đảm bảo ATTP tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

 Trên 90% nguồn hàng phục vụ Tết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội. Ảnh: TQ

“Chúng ta cần tiếp thu Chỉ thị 17 với một tinh thần mới. Chúng ta đã tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP, thời gian tới cần tập trung vào an ninh ATTP. Vấn đề đặt ra là phải bảo vệ sức khỏe cho giống nòi”, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đã có Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2022, Bộ đã kí kết liên tịch với các tỉnh thành lớn triển khai các chuỗi giá trị ATTP.

Theo đó, định hướng của Bộ NNPTNT là tập trung xây dựng chuỗi giá trị ATTP tại 3 thành phố lớn, có số lượng hàng hóa tập trung nhiều là TP. Hà Nội, TP. HCM và TP. Cần Thơ, trong đó tập trung thí điểm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và một số mô hình chợ ATTP.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, năm 2022 đã có nhiều kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo ATTP tại cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, trên cơ sở đó, cần có những định hướng tập trung cho năm 2023.

Đồng thời, cần tổ chức triển khai đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; các Chỉ thị, Kế hoạch hành động, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ thêm về nguồn hàng phục vụ Tết, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: Trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các thành phố lớn. Qua kiểm tra cho thấy kết quả tốt, nguồn hàng hóa đều đảm bảo cung ứng đầy đủ cho dịp tết Nguyên đán. Tại các siêu thị, trên 90% nguồn hàng đảm bảo vệ sinh ATTP. 

"Vấn đề các địa phương cần quan tâm thời điểm này là phải đảm bảo vệ sinh ATTP cung ứng cho dịp tết tại hệ thống các chợ truyền thống, chợ đầu mối", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem