Sở hữu đàn gà vịt gần 10 triệu con, Nam Định không lơ là, chủ quan với bệnh cúm gia cầm

Đ. Lực - M. Chiến Thứ ba, ngày 14/03/2023 12:43 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định không phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh này không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh.
Bình luận 0

Năm 2022, tiêu hủy 307 con gia cầm tại ổ dịch cúm A/H5N1

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cho biết, năm 2022, tổng đàn gia cầm đạt trên 9,6 triệu con, trong đó đàn gà đạt gần 7 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng đạt 34.993 tấn.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định đã xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát chủ động, giám sát bị động để cảnh báo sớm dịch bệnh.

Theo đó, thực hiện giám sát chủ động bệnh cúm gia cầm, ngành chăn nuôi đã lấy 565 mẫu phân/dịch hầu họng gia cầm của 10 huyện, thành phố để kiểm tra sự lưu hành của vi rút gây bệnh cúm gia cầm. Kết quả phát hiện 6/565 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N1 tại chợ Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) và điểm giết mổ của ông Trần Đức Trọng, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (A/H5N6).

Về giám sát bị động bệnh cúm gia cầm, Chi cục đã lấy 21 mẫu bệnh phẩm gia cầm tại 3 huyện Nghĩa Hưng, huyện Xuân Trường và huyện Trực Ninh. Kết quả xét nghiệm, phát hiện 9/21 (43%) mẫu dương tính với bệnh cúm A/H5N1 tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh.

Nam Định: Không lơ là, chủ quan với cúm gia cầm - Ảnh 1.

Dự ước tháng 2/2023, đàn gia cầm của tỉnh Nam Định đạt 9,4 triệu con. Ảnh: Lãng Hồng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định cho biết thêm, năm 2022, trên địa tỉnh có xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở 4 hộ chăn nuôi tại xóm Hồng Lạc, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh. Số gia cầm tiêu hủy là 307 con, với tổng trọng lượng 708 kg.

"Ngay sau khi phát hiện dịch, ngành chăn nuôi tỉnh đã phối hợp với địa phương có dịch khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp xử lý các ổ dịch theo đúng quy trình kỹ thuật, không để lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra", ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định nói.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Nam Định thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý chất thải chăn nuôi trong suốt quá trình nuôi; tham mưu cho tỉnh, Sở NNPTNT Nam Định phát động 2 đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.

"Trong năm 2022, công tác tiêm phòng vaccine trên đàn gia cầm nói riêng, đàn vật nuôi trong tỉnh nói chung được đẩy mạnh. Người chăn nuôi đã chủ động thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi", ông Hiểu bộc bạch.

Phòng chống dịch cúm gia cầm với tinh thần cao nhất

Với quy mô chăn nuôi trên 10.000 con gà Ai Cập siêu đẻ, anh Nguyễn Văn Phúc (xóm 15, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã tổ chức rất bài bản việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại trang trại.

Để vào được trang trại gà của anh Phúc, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu như mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, gang tay, sát khuẩn ủng bảo hộ…

Anh Phúc chia sẻ, với phương châm "chống dịch như chống giặc", trang trại đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; cấm trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và ngoài trang trại.

Cục Thống kê Nam Định cho hay, trong tháng 2/2023, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Chăn nuôi gia cầm phát triển tích cực; các cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô đàn, sản lượng gia cầm tăng khá.

Dự ước tháng 2, đàn gia cầm đạt 9,4 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn gà đạt 6,7 triệu con, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi khác được thực hiện thường xuyên với tinh thần cao, không lơ là, chủ quan.

Nam Định: Không lơ là, chủ quan với cúm gia cầm - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Phúc (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) rắc vôi bột trước cổng trang trại để phòng chống dịch cúm gia cầm xâm nhập vào trại nuôi gà. Ảnh: Lãng Hồng.

Tháng 11/2022, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.

Hằng tháng các thôn, xóm tổ chức ngày tổng vệ sinh làm sạch môi trường, nhất là những nơi công cộng (phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh..). Phát động các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt các đợt tiêm phòng tập trung chính vụ cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài các đợt tiêm phòng tập trung chính vụ, hằng tháng các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm mới phát sinh, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh khép kín và tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng.

Thời gian tiêm phòng tập trung chính vụ: Vụ xuân, từ ngày 15/3 - 15/4/2023. Vụ thu, từ ngày 15/9 - 15/10/2023.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị có liên quan,… thực hiện nghiêm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh. Tổ chức các đội kiểm dịch lưu động, tổ công tác liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giết mổ động vật thực hiện tốt các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với hoạt động giết mổ.

"Cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xác minh nguyên nhân bệnh khi phát hiện gia súc, gia cầm, động vật thủy sản ốm, chết bất thường. Nếu xác định là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải huy động các nguồn lực triển khai ngay các biện pháp chống dịch khẩn cấp, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh, cơ quan chuyên môn tham mưu việc lập chốt kiểm soát tạm thời, không để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm ra, vào vùng dịch; xem xét, quyết định việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh theo quy định", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng chỉ đạo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem