Sợ bị kỳ thị tại BV công, người chuyển giới chấp nhận trả tiền cao ở phòng khám tư

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 04/07/2020 13:08 PM (GMT+7)
Bị soi mói, bị kỳ thị, bị tổn thương, nhiều người chuyển giới thuộc cộng đồng LGBT chấp nhận trả gấp nhiều lần để khám ở các phòng khám tư hơn là phải đến bệnh viện công lập.
Bình luận 0
LGBT: "Chỉ khi nào gần chết mới đến cơ sở y tế công lập" - Ảnh 1.

Những người thuộc cộng đồng LGBT bị kỳ thị ngay cả đi khám bệnh. Ảnh minh họa.

Theo khảo sát năm 2017 của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), hiện Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) ở độ tuổi từ 15-59, trong đó, hơn 300.000 người đã thực hiện việc chuyển giới một phần hay toàn phần. Đây là nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và cần phải được chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện.

Mặc dù xã hội luôn kêu gọi không kỳ thị cộng đồng LGBT nhưng thực tế, những người thuộc nhóm này luôn bị phân biệt đối xử, không chỉ trong trường học, công sở mà ngay cả trong các cơ sở khám bệnh.

Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống chung với HIV/AIDS VNP+ cho biết, nhiều bạn trong cộng đồng kể, chi phí cho một lần khám và điều trị bệnh về da liễu tại phòng mạch tư có khi lên tới gần cả trăm triệu đồng, trong lúc đó chi phí này nếu thực hiện ở bệnh viện công chỉ khoảng trên dưới 1 triệu. Tuy nhiên, nhiều bạn trong cộng đồng vẫn chọn phòng mạch tư vì các bạn ngại đến các bệnh viện công, ngại bị kỳ thị.

Với các bệnh mà nhóm nam quan hệ tình dục với nam hay mắc như giang mai, sùi mào gà, do e ngại bị kỳ thị ở bệnh viện công nên họ đến các cơ sở y tế tư nhân. "Lợi dụng điểm này, chi phí chữa bệnh bị các nơi đó thổi lên cao gấp nhiều lần so với chi phí ở bệnh viện công lập. Họ còn đẻ ra nhiều dịch vụ khác để moi tiền người bệnh như bắt truyền nước hàng ngày. Có bạn mất 7 triệu cho một lần đốt sùi mào gà, có bạn mất tổng cộng 100 triệu đồng cho điều trị giang mai. Mong các anh chị hiểu, một người rất nhiều năm bị kỳ thị vì những điều họ chẳng có lỗi gì cả, lại đang mang bệnh, đang mệt và lo lắng, mà vô bệnh viện khám bệnh bị phang một câu "Sao chơi pê-đê cho mang bệnh vậy?" thì có phát khùng không?", anh Phong nói.

Nguyễn Mạnh Phúc, tên thường gọi là DG Creo, đại diện nhóm hoạt động cho quyền lợi của người chuyển giới nam (FTM), tâm sự: "Khi đến các cơ sở y tế công lập, tụi tôi thường bị những ánh mắt soi mói, những câu nói kiểu như "Sao con trai không ra con trai, con gái không ra con gái vậy?". Những câu nói vậy khiến tụi tôi bị tổn thương rất nhiều và tự nói với nhau rằng chỉ khi nào gần chết mới đến các cơ sở y tế công lập; còn bình thường, tụi tôi chấp nhận đến các phòng khám tư dù chi phí cao hơn rất nhiều so với bệnh viện công".

Chị Nguyễn Huỳnh Tố An (thường gọi Jessica Cà, gương mặt hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng chuyển giới nữ, TP.HCM) chia sẻ, có lần đến bệnh viện công để khám, nhân viên y tế đọc tên: "Mời anh Nguyễn Hữu Toàn (tên khai sinh của Cà). Nhầm lẫn tên thì không sao, nhưng khi tôi đứng lên, thấy tôi trong hình hài con gái mà nhân viên y tế vẫn gọi "anh" khiến cho tôi rất ngại".

Tại buổi chia sẻ về vấn đề giao tiếp với cộng đồng LGBT, BSCK2 Phạm Đăng Trọng Tường – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bệnh viện vẫn tiếp nhận khám cho khá nhiều trường hợp thuộc các đối tượng này. Nhưng BS Tường cùng thừa nhận: "Đôi khi chỉ vì chưa hiểu nhau nên đôi bên có thể có những câu nói gây tổn thương cho cộng đồng LGBT".

Mong muốn chung của anh Phong, Cà, Creo nói riêng và của cộng đồng LGBT nói chung là khi đến các BV công lập được đối xử công bằng, không bị kỳ thị, nhân viên y tế có những ứng xử phù hợp. Nếu không rõ giới tính thực của bệnh nhân thì thay vì gọi anh - chị, có thể gọi bạn hoặc gọi theo số thứ tự khám bệnh. Đặc biệt, các BV công nên có phòng khám riêng biệt cho LGBT, nhà vệ sinh không phân biệt nam nữ để tránh bị người khác xì xầm, nhòm ngó khi đến khám chữa bệnh.

"Tụi tôi đi khám bệnh trả tiền như tất cả mọi người. Chỉ mong bệnh viện đối xử với tụi tôi như với những bệnh nhân khác. Đừng hỏi tụi tôi về thói quen hay cách thức quan hệ tình dục của cá nhân nếu những điều đó không liên quan gì đến chữa bệnh", Creo nói.

BS Tường cho biết, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho cộng đồng LGBT, cũng như nâng cao hiểu biết và kỹ năng tiếp cận cho nhân viên y tế đối với nhóm đối tượng này. 

Bệnh viện sẽ tổ chức câu lạc bộ chia sẻ các bệnh về da, các bệnh lây qua đường tình dục cũng như nhu cầu thẩm mỹ nội khoa… mà cộng đồng LGBT quan tâm, đồng thời sẽ thăm khám miễn phí cho các thành viên tham dự sinh hoạt câu lạc bộ.

"Tụi tôi không cần thương hại. Tụi tôi chỉ cần được đối xử công bằng, hễ bệnh thì đi khám và được chữa trị như tất cả mọi người khác", Tố An khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem