"Siêu cảng" trung chuyển quốc tế Cần Giờ được dự báo tác động đến môi trường như thế nào?

Vũ Quyền Thứ sáu, ngày 26/05/2023 09:00 AM (GMT+7)
"Siêu cảng" quốc tế Cần Giờ được cho là đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đối với một cảng trung chuyển quốc tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề, cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn để đánh giá việc xây dựng và khả năng thực thi dự án.
Bình luận 0

Đáp ứng tiêu chí của cảng trung chuyển quốc tế

Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về thành lập Tổ công tác thực hiện đề án Nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gồm 15 thành viên, tổ trưởng là Giám đốc Sở GTVT.

Tổ công tác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND thành phố trong việc lập, trình đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đồng thời, tổ tham mưu, đề xuất thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện đề án (sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua) và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Siêu Cảng quốc tế Cần Giờ được dự báo tác động đến môi trường như nào? - Ảnh 1.

Vị trí được đề xuất làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast.

Theo đề án, Công ty Tư vấn Thiết kế Kỹ thuật cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast - đơn vị tư vấn) cho rằng, trong khoảng 20 năm trở lại đây, lĩnh vực khai thác cảng biển của Việt Nam đã tăng trưởng một cách nhanh chóng, một số bến cảng đã nằm trong bảng xếp hạng 50 cảng biển lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa thể thực hiện trung chuyển quốc tế.

Về hiện trạng, nhóm cảng biển Đông Nam Bộ là khu vực có sản lượng hàng qua cảng lớn nhất nước với sản lượng 298,36 triệu tấn (chiếm 42,25% cả nước) và 17,01 triệu TEU (chiếm 70,87% cả nước) trong năm 2021.

Ngoài ra, theo quy hoạch, các cảng nhóm 4 (gồm gồm 5 cảng biển: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An) đã được phê duyệt quy hoạch đảm bảo thông qua lượng hàng đến năm 2030 là khoảng từ 461 đến 540 triệu tấn, riêng hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU.

Việc đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo "xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch…" trong Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dựa trên nghiên cứu các đặc trưng và điều kiện để hình thành, đơn vị tư vấn đánh giá Cần Giờ đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đối với một cảng trung chuyển quốc tế như: Nằm gần tuyến hàng hải quốc tế kết nối với các châu lục, thời gian hoạt động gần như quanh năm, luồng Cái Mép - Thị Vải đã tiếp nhận được tàu container sức chở 20.000 TEU (lợi dụng triều); có kết nối thuận tiện với khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bằng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa hiện hữu.

Siêu Cảng quốc tế Cần Giờ được dự báo tác động đến môi trường như nào? - Ảnh 2.

Phối cảnh của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast.

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hôm 12/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, huyện Cần Giờ có vị trí tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.

Nhiều dự báo ảnh hưởng môi trường

Theo đơn vị tư vấn, khu vực đề xuất vị trí dự án là cù lao Phú Lợi, nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Yếu tố nhạy cảm duy nhất khi thực hiện dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ, khoảng 93ha.

Tuy nhiên, đề án cũng nêu ra một số dự báo ảnh hưởng môi trường, thông qua đánh giá tác động sơ bộ. Cụ thể, trong quá trình hoạt động, không tránh khỏi phát sinh khí thải, rác thải, nước thải và có khả năng gia tăng rủi ro sự cố có thể xảy ra như tai nạn lao động, va chạm tàu thuyền, tràn dầu, cháy nổ…

Siêu Cảng quốc tế Cần Giờ được dự báo tác động đến môi trường như nào? - Ảnh 3.

Đề án nêu ra một số dự báo ảnh hưởng môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động. Ảnh: Mạnh Linh.

Định hướng quy hoạch dự án cho thấy có khả năng làm suy giảm chất lượng nước mặt từ nước thải từ các hoạt động sinh hoạt và từ kho, bãi, công trình phụ trợ… nếu không được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, hoạt động nạo vét duy tu hàng năm cho khu nước trước bến cảng là tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt.

Về môi trường không khí, tiếng ồn, đề án chỉ ra nguồn khí thải gây ô nhiễm trong khu vực chủ yếu từ hoạt động giao thông, hoạt động xuất nhập hàng hóa, một lượng nhỏ từ sinh hoạt và một số từ nguồn khác như bãi tập kết rác, hệ thống xử lý nước thải... Thành phần chủ yếu là bụi, CO, CO2, SOx, NOx, CH4, H2S…

Dự án dự báo phát sinh khối lượng các chất thải nguy hại và không nguy hại thường ngày tại các kho bãi như dầu thải, hóa chất thải và các bình chứa, các bộ lọc đã sử dụng, kim loại phế liệu và các loại khác. Ngoài ra, khi hình thành các tuyến đường, các công trình bến, kho bãi hàng, nhà xưởng và công trình phụ trợ có thể tác động đến môi trường đất.

Để khắc phục những vấn đề này, đơn vị tư vấn đề xuất nhiều biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

Phát biểu trong hội thảo về đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho rằng, cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để đánh giá việc xây dựng và khả năng thực thi dự án.

"Địa chất của cù lao Phú Lợi cũng chưa thấy trình bày trong dự án. Việc xây dựng trên một vùng đất yếu của vùng biển Cần Giờ thì sẽ như thế nào? Đặc biệt, chúng ta cũng nêu sẽ nạo vét 30,5 triệu khối đất cát từ biển. Hoạt động này cũng sẽ tác động đến chất lượng nước, môi trường nước và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dân sinh của khu vực Cần Giờ, chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Do đó, chúng ta cần phải đánh giá kỹ hơn", GS Phước nói.

Tuy vậy, những dự báo trên chỉ mới dựa trên những đánh giá sơ bộ, chưa có nghiên cứu một cách cụ thể về nhiều mặt.

Tổng kinh phí dự kiến hoàn thành cảng khoảng 128.872 tỷ đồng

Vị trí đề xuất cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cù lao Phú Lợi, nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM. Bề rộng sông khu vực này chỗ nhỏ nhất là khoảng 1km, độ sâu lòng sông cũng rất lớn, khoảng 30-40m, một số khu vực phía ngoài có độ sâu khoảng 14-16m. Theo quy hoạch, tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải khu vực này rộng 350m, nạo vét đảm bảo độ sâu tối thiểu 15,5m.

Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến giai đoạn 1 bắt đầu vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027, hoàn thành xây dựng vào năm 2045. Tổng kinh phí dự kiến hoàn thành cảng khoảng 128.872 tỷ đồng, tương đương 5,45 tỷ USD (bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng).

Tổng công suất hàng hóa thông qua dự kiến đạt 4,8 triệu TEU vào năm 2030, tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu TEU một khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047). Năng lực tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8km và 1,9km. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là khoảng 571ha, trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) khoảng 89,95 ha, diện tích mặt nước khoảng 481,05ha.

còn tiếp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem