Sau vụ việc chó Pitbull cắn người tử vong ở Bình Dương, sẽ có quy định cụ thể hơn về điều kiện nuôi chó, mèo

Bình Minh Thứ sáu, ngày 19/05/2023 18:20 PM (GMT+7)
Sau vụ việc một cụ bà bị chó Pitbull cắn tử vong ở Bình Dương, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định "cấm tuyệt đối những loài chó hung dữ không được nuôi tại gia đình"?.
Bình luận 0

Ngày 17/5, con gái cụ Đặng Thị V., 82 tuổi, ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An (Bình Dương), sau khi ăn cơm mở lồng sắt đưa chó Pitbull nặng chừng 30 kg đi dạo trước hiên nhà.

Lúc này cụ Vân ngồi trong nhà cách đó hơn chục mét nói lớn tiếng vọng ra ngoài, bị con chó lao vào cắn vùng mặt. Người thân chạy vào can thiệp, kéo con chó ra nhưng không kịp, nạn nhân tử vong sau đó chừng hai phút.

Đây không phải là lần đầu tiên chó tấn công, cắn người tử vong. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra gây hậu quả đáng tiếc.

Sau vụ việc ở Bình Dương, nhiều người cho rằng phải có quy định "cấm tuyệt đối những loài chó hung dữ không được nuôi tại gia đình".

Theo số liệu thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), năm 2021, cả nước có trên 5 triệu hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn trên 7,5 triệu con.

Tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông; khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan quy định chưa cụ thể trong quản lý chó, mèo nên còn nhiều bất cập.

Nuôi chó là quyền và sở thích của người dân nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật - Ảnh 1.

Hình ảnh chó thả rông trên đường Lê Quang Đạo, Hà Nội hồi tháng 2/2023. Ảnh: Gia Khiêm.

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu như một số nước trên thế giới cho phép nuôi động vật hung dữ làm "thú cưng" nhưng do người nuôi có thể thuần phục được động vật đó và cơ quan chức năng quản lý được. Còn ở Việt Nam chưa quản lý tốt đàn vật nuôi, việc thả rông chó, mèo còn diễn ra "vô tội vạ", bởi vậy sau vụ việc ở Bình Dương cần có những biện pháp, quy định cấm nuôi các động vật hung dữ.

"Để quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo cần phải thực hiện triệt để quyền lực quản lý Nhà nước, xã hội, môi trường sau đó mới hướng đến giáo dục việc nuôi chó, mèo như thế nào cho đúng quy định", PGS.TS Nguyễn Quý Đức chia sẻ với Dân Việt.

Trả lời báo chí hồi cuối tháng 3/2023, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nói: "Việc nuôi chó là quyền và sở thích của người dân nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật".

Ông Chinh cho hay, Bộ NNPTNT đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo. Trong thông tư này, việc nuôi chó, mèo sẽ có những quy định cụ thể hơn về điều kiện, mật độ nuôi, mức xử phạt…

Cũng theo ông Chinh, trong Điều 66, Luật Chăn nuôi quy định rất rõ về quản lý nuôi chó, mèo. Đó là người nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng; kiểm soát được bệnh dại, khi chó, mèo có hiện tượng bị bệnh dại phải báo ngay cho chính quyền địa phương; khi nuôi phải đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo cắn người hay vật nuôi của người khác gây thiệt hại thì phải đền bù theo quy định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), việc phòng bệnh trên chó, mèo đã được quy định tại Thông tư số 07 năm 2016 của Bộ NNPTNT và Quyết định 2151 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định "nuôi chó, mèo phải đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền cũng như quản lý không thả rông chó, mèo".

Năm 2022, cả nước có 70 người chết do bệnh Dại và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 11 người chết. "Bệnh Dại rất nguy hiểm đến tính mạng của con người, nếu không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chăn nuôi, quy định của Chính phủ, ngành thú y thì chúng ta không thể quản lý chặt được đàn chó, mèo và không thể phòng được bệnh Dại", ông Long nói.

Hàng năm, cả nước vẫn có 500.000 người bị chó, mèo cắn, cào phải đi tiêm phòng bệnh Dại, làm thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem