Sau khi bước qua cánh cửa của hội đồng nghiệm thu, đề tài khoa học sẽ đi đâu?

K.Nguyên Thứ ba, ngày 25/04/2023 19:04 PM (GMT+7)
Đó là trăn trở và cũng là câu hỏi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đặt ra cho các nhà khoa học nông nghiệp tại Hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Bình luận 0

Lo ngại chảy máu chất xám ở các đơn vị nghiên cứu khoa học

Trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động chào mừng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới - 21/4 và Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam - 18/5, ngày 25/4/2023, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" với chủ đề: "Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng Nông nghiệp Việt". 

Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. 

Sau khi bước qua cánh cửa của hội đồng nghiệm thu, đề tài khoa học sẽ đi đâu? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cùng chủ trì Hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Ảnh: P.V

Tại Hội nghị, đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học đã có những đóng góp, kiến nghị thiết thực để đổi mới công tác nghiên cứu khoa học.

Theo GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ, vấn đề liên kết giữa các viện nghiên cứu, giữa các viện và trường đã được thực hiện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Từ thực tế đó, GS.TS Trần Đình Hòa kiến nghị có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu với nhau, giữa các viện nghiên cứu với các trường đại học. 

"Nếu tổ chức liên kết tốt sẽ tận dụng tốt hệ thống cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, hạ tầng của các đơn vị cho công tác nghiên cứu", ông Long nói đồng thời bày tỏ sự lo ngại khi hiện nay đang có hiện tượng chảy máu chất xám ở các viện nghiên cứu. "Ngày càng có nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học ở các viện xin nghỉ việc dù họ rất tâm huyết với công tác nghiên cứu, trong khi có những nghiên cứu rất cần đội ngũ các nhà khoa học trẻ kế tục để triển khai tiếp", ông Long nêu một thực tế.

Chia sẻ từ thực tế của đơn vị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện, học viện chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo 2 hướng. Sản phẩm thứ nhất là các bài báo quốc tế, phục vụ cho việc nâng hạng của Học viện; sản phẩm thứ hai chính là những sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh. Học viện đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương để chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng này. 

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, hiện nay, số lượng các sản phẩm từ các viện nghiên cứu được thương mại hóa còn khiêm tốn, do vậy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất ngành chức năng có chính sách tháo gỡ cho các trường đại học thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu đồng thời có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học để họ giữ vững tinh thần dấn thân cho nghiên cứu. 

Sau khi bước qua cánh cửa của hội đồng nghiệm thu, đề tài khoa học sẽ đi đâu? - Ảnh 2.

Một số giống khoai tây do Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: P.V

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seeds kiến nghị, ngành chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục thanh toán kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học. "Các nhà khoa học trả cho đề tài khoa học bằng sản phẩm chứ không phải các thủ tục thanh toán phức tạp, rườm rà", ông Báo nói. 

Phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. 

Giá trị gia tăng đến từ những cái tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu là giảm chi phí như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu chính là khoa học công nghệ.

Để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NNPTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NNPTNT xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chính sach thu hút doanh nghiệp FDI trong nghiên cứu khoa học công nghệ, bổ sung chức năng cho các cơ sở nghiên cứu khoa học công lập thuộc bộ, từ đó mở rộng không gian nghiên cứu cho các nhà khoa học.

Sau khi bước qua cánh cửa của hội đồng nghiệm thu, đề tài khoa học sẽ đi đâu? - Ảnh 3.

Sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ. Ảnh: P.V

Đầu tư nâng cao tiềm lực của các cơ sở nghiên cứu, cả về cơ sở vật chất và nhân lực; nâng cao công tác khuyến nông, phát triển khuyến nông số, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của các nông dân; hình thành các nhóm nghiên cứu chất lượng, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, hướng đến việc thực học, thực làm.

Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đưa sản phẩm nghiên cứu đến với đối tượng cần sử dụng là người nông dân. Thí điểm nghiên cứu thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật để lan tỏa các sản phẩm khoa học công nghệ. 

"Tôi đang trăn trở chúng ta đứng ở đâu trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới, rõ ràng nếu so sánh thì chúng ta còn khoảng cách không nhỏ với các nước tiên tiến. Do vậy, chúng ta không thể bằng lòng với chính mình. Sản phẩm nghiên cứu sau khi bước qua cánh cửa của hội đồng nghiệm thu sẽ đi đâu?. Tôi mong các nhà khoa học tiếp tục trăn trở, trả lời câu hỏi này để những sản phẩm nghiên cứu lan tỏa trên đồng ruộng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Hiện nay, Bộ NNPTNT có 37 Giáo sư; 2.000 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ và 3.000 thạc sĩ; khoảng 15.000 người tham gia làm công tác nghiên cứu khoa học với 14.700ha đất.

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030.

Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ.

Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem