Sự thật về cua biển, tôm hùm siêu rẻ bày bán la liệt ở vỉa hè

Thứ hai, ngày 22/08/2022 09:45 AM (GMT+7)
Khác với cua biển hay tôm hùm tươi sống có giá từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg, loại cua biển siêu rẻ có giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg, tôm hùm chỉ khoảng 150.000/kg.
Bình luận 0

Tôm hùm, cua biển giá rẻ "giật mình"

Thời gian gần đây, trên vỉa hè các con đường tại TP.HCM như Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức), Trường Chinh (quận Tân Bình)... xuất hiện nhiều điểm bán tôm hùm với giá chỉ từ 150.000 đồng/kg thu hút nhiều người mua.

Tôm hùm được người bán ngâm trong nước đá, đựng bằng thùng xốp và treo bảng giá "150.000 đồng/kg, loại lớn 250.000 đồng/kg" thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo ghi nhận, những con tôm nhỏ chỉ lớn hơn tôm càng xanh, còn tôm lớn nặng 400 - 600g/con, nhưng tất cả đã chết và hở đầu, và được quấn dây thun chằng chịt.

Sự thật về cua biển, tôm hùm siêu rẻ bày bán la liệt ở vỉa hè - Ảnh 1.

Loại tôm hùm siêu rẻ bày bán ở vỉa hè.

Loại cua biển siêu rẻ cũng được bày bán nhiều ở các khu du lịch. Chị Lê Thảo Hương (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, vừa rồi gia đình chị đi du lịch Vũng Tàu, lúc chuẩn bị về thấy người ta bán rất nhiều cua biển mà giá lại rẻ giật mình. Tùy loại nhưng dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg. Nghĩ đơn giản cua ở biển thì rẻ, nên chị mua một lúc cả chục cân về làm quà. Khi về, hấp lên thì mới ngã ngửa vì cua chỉ toàn là vỏ, phần thịt rất ít.

Thực tế, giá thị trường tôm hùm sống khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/kg, nếu chết cũng 500.000 - 600.000 đồng/kg. Tôm hùm kém chất lượng thường loại nhỏ, khoảng hở giữa đầu và thân tôm khá lớn, đen đầu, mùi thịt ươn. Khả năng tôm giá rẻ là tôm bị bệnh chết, thịt không nguyên chất, hoặc tôm được cấp đông trước đó và nay mang ra bán. Sử dụng loại tôm này làm thực phẩm ẩn chứa nhiều nguy cơ với sức khỏe.

BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, tôm hùm rất bổ dưỡng nhưng nếu chúng đã chết sẽ chứa nhiều vi khuẩn, độc tố, do đó không nên ăn. Hải sản không được bảo quản đúng cách sẽ bị hư hỏng. Sự hư hỏng có thể đến từ hai nguyên nhân chính: một là sự tự phân hủy của hải sản do chính hệ enzyme của nó, hai là sự phát triển của các vi sinh vật.

Các vi sinh vật này bao gồm vi sinh vật gây hư hỏng và vi sinh vật gây bệnh, chúng chủ yếu xuất phát từ nội tạng và một phần từ môi trường đánh bắt bám trên bề mặt da. Vi sinh vật gây bệnh chia làm hai nhóm: nhóm sinh độc tố và nhóm gây bệnh. Nhóm vi sinh vật gây độc tố có nhiều loại nhưng rất nguy hiểm là Clostridium Botulinum. Nhóm vi sinh vật gây bệnh gồm nhiều loại, trong đó có Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn gây bệnh tả.

Chọn hải sản tươi ngon

Với cua biển siêu rẻ, TS Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết đây là loại cua óp. Thực ra cua óp cũng là cua biển nhưng ở giai đoạn phát triển ít thịt, ít dinh dưỡng nhất. Con cua ở thời điểm lột xác là lúc có nhiều dinh dưỡng nhất. Vào thời điểm này, cua thịt có nhiều thịt nhất và cua gạch có nhiều trứng nhất (quan sát phần màu vàng ở yếm cua gạch là thấy).

Khi cua đẻ xong, lượng dinh dưỡng, thịt, trứng trong cua giảm đi rất nhiều. Khi đó con cua trở nên "gầy gò, ốm yếu", chỉ còn lại phần vỏ là chính. Nếu được nuôi tiếp thì sẽ trở thành cua gạch hoặc cua thịt chất lượng, còn đem bán thì sẽ là cua óp, có giá thành chỉ bằng một nửa hoặc rẻ hơn cua gạch và cua thịt thông thường. Tuy nhiên loại thịt cua này cũng không độc hại gì.

TS Cương khuyên, nên mua tôm còn vỏ, còn tươi và vỏ tôm phải cứng. Ngoài ra, đầu tôm hay vỏ tôm không bị mất màu, vì đổi màu là dấu hiệu cho biết thịt bắt đầu hư thối…Khi thấy phần vỏ vùng đầu của tôm hùm bị đổi màu thì có nghĩa tôm đã bị ôi, hỏng, không nên ham rẻ mua về chế biến.

Để chọn cua biển ngon, cách phân biệt tốt nhất là cầm con cua lên, nếu thấy nhẹ bẫng thì là cua óp, cầm nặng tay thì là cua biển thông thường. Cua gạch hoặc cua thịt biển thông thường có trọng lượng trung bình khoảng 500g đến 1kg/con, trong khi cua óp thì phải 2-3 con mới được 500g. Còn để chọn được con cua tươi ngon thì lật cua lên, cạy phần yếm cua ra (với cua gạch) sẽ thấy phần trứng có màu hồng. Cua đực thì dùng tay ấn mạnh vào yếm phía hai bên thân cua, nếu không lõm thì đó là cua tươi, ngon.

"Có thể xem màu lớp da lụa (da non) giữa kẹt khuỷu trên càng cua. Nếu lớp da này màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì cua nhiều thịt. Cua mới bắt thì lớp da này thẳng bóng, đó là cua mập. Ngược lại, cua cũ sẽ ốm do bị rọng lâu ngày, lớp da này nhăn nheo. Bóp phần đầu đùi của que dầm bơi, phía dưới mu cua. Bóp vừa tay, nếu bạn thấy cua giãy giụa toàn bộ que, càng thì cua còn khỏe (thịt ngon). Ngược lại, cua đã yếu - sắp chết. Bởi trước khi chết khoảng 2 giờ, thịt cua bủn dần - nhiều nước…", TS Nguyễn Tử Cương chia sẻ.


Không ăn những loại cua lạ

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, có nhiều loài cua rất độc mà ít người biết đến. Ngoài cua mặt quỷ còn có cua hạt. Loại cua này có vỏ đầu ngực có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống thì có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía. Đốt ngón các chân kìm có màu đen.Loại cua hạt thường được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tằm - Nha Trang. Vào mùa du lịch, nhiều người có sở thích phượt, khám phá các vùng biển hoang sơ, cần hết sức cảnh giác với các loài hải sản lạ khi có ý định dùng làm thực phẩm.

Tô Hội (Báo Sức khỏe và Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem