Mở rộng quy mô chăn nuôi
Năm 2016, bà Hồ Thị Liên, ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP.Cà Mau được vay 13 triệu đồng từ Quỹ HTND để nuôi gà nòi lai. Bà Liên cho biết, việc nuôi gà đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2016, gia đình bà và 8 hộ nuôi khác mới thành lập tổ hợp tác nuôi gà và được giải ngân vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 100 triệu đồng.
“Trước đây, mỗi đợt tôi nuôi nhiều nhất chỉ 300 con gà. Được hỗ trợ từ Quỹ HTND nên gia đình tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Số lượng gà trung bình mỗi đợt trên 1.000 con, lợi nhuận từ đó cũng tăng lên đáng kể, giúp kinh tế gia đình tôi ổn định hơn” – bà Liên phấn khởi nói.
Phó Chủ tịch Hội nông dân xã An Xuyên Trần Văn Em cho biết: “Xã An Xuyên hiện có 3 dự án được đầu tư bởi nguồn Quỹ HTND, gồm: Nuôi gà nòi lai (vốn 100 triệu đồng cho 8 hộ), dự án trồng màu (50 triệu đồng cho 6 hộ) và dự án nuôi heo thương phẩm (vốn 300 triệu đồng cho 10 hộ). Những dự án này phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương nên tiếp tục được hội vận động nhân rộng”.
Còn tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Hội ND thực hiện giải ngân dự án nhân rộng mô hình nuôi cua đinh thương phẩm với tổng nguồn vốn vay Quỹ HTND là 200 triệu đồng đầu tư cho 7 hộ ở ấp Kinh Chùa tham gia nuôi 500 con đinh thương phẩm. Bình quân mỗi hộ vay 20 – 30 triệu đồng Quỹ HTND để mua con cua đinh giống.
Theo các hộ nuôi cua đinh ở ấp Kinh Chùa, cua đinh sống trong điều kiện môi trường tự nhiên vùng nước ngọt, là đối tượng dễ nuôi, tỉ lệ hao hụt thấp. Sau thời gian nuôi 12 tháng, cua đinh đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg/con, thịt cua đinh rất ngon, ngọt. Cua đinh bố mẹ được nuôi trong
bể xi măng; con giống bố mẹ có giá khá cao (giao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg); cua đinh con sau khi nở 10 ngày có giá từ 350 đồng/con. Sau 24 tháng nuôi, các hộ có sản phẩm cua đinh thương phẩm bán ra thị trường, trừ chi phí, bình quân mỗi hộ tham gia dự án có thêm thu nhập 51 triệu đồng.
Ông Nguyễn Việt Khải - Chủ tịch Hội nông dân xã Trần Hợi cho biết: “Từ khi được công nhận xã nông thôn mới, hàng năm Hội ND đều tổ chức để các ấp tổng kết và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, nông dân ở ấp Kinh Chùa rất đồng tình việc nhân rộng cây, con có hiệu quả kinh tế. Dự án vay vốn Quỹ HTND đã giúp các hộ nông dân ở ấp Kinh Chùa nhân rộng mô hình nuôi cua đinh thương phẩm theo cách làm “nông dân dạy nông dân”. Thời gian tới, Hội nông dân xã tiếp tục phối hợp Hội nông dân huyện và Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư thẩm định quy trình nuôi, tập trung chuyên giao kỹ thuật cho hội viên tổ chức theo mô hình tổ, nhóm sản xuất để tiếp tục nhân rộng mô hình”.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội nông dân huyện Trần Văn Thời cho biết, mỗi năm huyện vận động hội viên, nông dân đóng góp Quỹ HTND từ 750-850 triệu đồng. Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND vận động được trên 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ 585 hội viên vay thực hiện 56 mô hình dự án, giải quyết công ăn việc làm cho 1.100 lao động, từ đó đã giúp được 502 hội viên nông dân thoát nghèo. Bên cạnh hỗ trợ vốn, Hội nông dân huyện Trần Văn Thời còn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu
Ông Trần Hoàng Nhỏ - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Cà Mau cho biết: “Thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Cà Mau tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Quỹ HTND theo chỉ đạo của T.Ư Hội nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 34,4 tỷ đồng, qua đó triển khai hỗ trợ nông dân thực hiện 156 dự án với 2.196 hội viên.
Qua các mô hình, dự án, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động thành lập mới được 156 tổ hợp tác, giải quyết được nhiều lao động nhàn rỗi có việc làm. Điển hình như: Dự án “Nuôi cua thương phẩm” ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi; Dự án “Nuôi sò huyết” ở xã Trấn Thới, huyện Cái Nước; Dự án “Nuôi dê” ở xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau…
Bên cạnh đó, sau khi triển khai các mô hình kinh tế, Hội ND tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên; kiểm tra, giám sát và tư vấn cho hội viên sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn.
Cụ thể, trong 5 năm qua (2013 – 2018), các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trên 1.300 lớp dạy nghề cho trên 43.000 hội viên. Nhờ vậy, đã góp phần giúp 11.000 hội viên nông dân tạo việc làm, thu nhập ổn định, chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương. Hội cũng phối hợp mở trên 8.000 lớp chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, cho hơn 400.000 lượt hội viên, nông dân.
Hội nông dân Cà Mau còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ hội viên, nông dân; nâng cao chất lượng 764 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 34.699 hộ vay, tổng dư nợ 572 tỷ đồng.
Nói về hiệu quả vốn vay Quỹ HTND, ông Trần Hoàng Nhỏ khẳng định: Tuy nguồn vốn mỗi hộ được tiếp cận không quá cao, chỉ mang tính chất hỗ trợ thêm để sản xuất, nhưng thời gian qua Qũy HTND giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, từ nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư, hỗ trợ, nông dân ND tỉnh Cà Mau đã thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội phát động. 5 năm qua toàn tỉnh Cà Mau có 491.780 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã giúp 15.000 lượt hộ hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về mô hình sản xuất, về giống, vốn; tạo việc làm cho 189.000 lượt lao động.