“Quê hương 5 tấn” đi đầu trong xây dựng NTM

Trọng Đạt Thứ hai, ngày 22/02/2016 06:00 AM (GMT+7)
Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Thái Bình trở thành "quê hương 5 tấn" đầu tiên ở miền Bắc (1966), ngày nay năng suất lúa đã tăng gấp 2-3 lần và nông nghiệp vẫn đang giữ vị trí đầu tàu của nền kinh tế nơi đây. Và Thái Bình vẫn là nơi đi đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Bình luận 0

Thay đổi từ tư duy

Triển khai chương trình XDNTM, có lẽ ít tỉnh có sự chỉ đạo quyết liệt như Thái Bình. Trong các hội nghị, hội thảo mối quan tâm lớn đều tập trung vào việc tìm giải pháp về NTM. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã đều có chung mối lo tìm nguồn lực cho XDNTM.

img

Lãnh đạo Trung ương thăm mô cánh đồng màu cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ). Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối  XDNTM Thái Bình cho biết: “Thái Bình đã ban hành các cơ chế chính sách, kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhất là cơ chế quản lý và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ đó, tạo nên bước đột phá, thu hút  khá lớn nguồn lực đối ứng của địa phương, cộng đồng dân cư, khắc phục khó khăn và tâm lý trông chờ cấp trên”.

  Sau 5 năm, Thái Bình đã có 165 xã và 1 huyện (Hưng Hà) đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu đề ra và được đánh giá dẫn đầu cả nước trong XDNTM.  

Khởi đầu cho XDNTM của Thái Bình là việc chọn 8 xã làm mô hình điểm chỉ đạo. Mỗi huyện, thành phố cũng chọn 1 - 2 xã làm điểm. Từ huyện tới xã đều xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, đôn đốc XDNTM ở cơ sở, lấy kết quả XDNTM để đánh giá cán bộ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi.

Năm 2013, xã Đông Các (huyện Đông Hưng) mới đạt 11 tiêu chí. Vì vậy, xã đặt ra quyết tâm phải hoàn thành 3 tiêu chí trong năm 2014, trong đó có tiêu chí khó nhất là giao thông. Theo ông Phạm Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã, để tạo nguồn lực, Đông Các đã tích cực vận động người dân tham gia và thành lập ban liên lạc để vận động con em xa quê đóng góp. Nhờ đó, con em xa quê không chỉ ủng hộ tiền mặt mà còn đứng ra thi công một số tuyến đường, chia sẻ phần việc với nhân dân và chính quyền địa phương. Đến cuối năm 2014, xã đã hoàn thành trên 21,8km đường giao thông và cuối năm 2015, Đông Các đã đạt chuẩn NTM.

Huy động sức dân hợp lý

Nhằm giảm bớt gánh nặng đóng góp cho người dân, ở tỉnh Thái Bình việc huy động nguồn lực của dân chủ yếu dành cho những công trình phục vụ trực tiếp cộng đồng dân cư như đường nhánh cấp một trục thôn, đường trục thôn, nội đồng, kênh cấp một loại ba… Còn hầu hết đường trục xã, trường học, trạm y tế dùng ngân sách các cấp. Một cách làm sáng tạo khác ở Thái Bình là cộng đồng dân cư thành lập Ban kiến thiết, lập khái toán tổng kinh phí rồi rà soát con em quê hương có điều kiện kinh tế vận động ủng hộ, sau khi cân đối thiếu bao nhiêu sẽ chia đầu khẩu đóng góp. Qua cách thức này có nơi người dân chỉ phải góp 50.000 đồng/khẩu.

imgTừ năm 2013, tỉnh Thái Bình ban hành cơ chế dân tự làm, chính quyền định hướng và chủ trương hỗ trợ xi măng. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã mua 1 triệu tấn xi măng theo phương thức trả chậm để hỗ trợ các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, Thái Bình cũng coi trọng thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ năm  2007, Thái Bình tổ chức dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và đến hết tháng 6.2013 có 99,6% số xã hoàn thành DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng, vượt kế hoạch đề ra.

Sau DĐĐT, Thái Bình đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với 143 cánh đồng mẫu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; 99 xã đã quy hoạch 137 khu chăn nuôi tập trung với trên 700 trang trại, 1.600 gia trại, trong đó có 69 trang trại quy mô lớn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem