Quảng Ninh yêu cầu xử lý kịp thời các hoạt động nuôi trồng thủy sản biển trái phép

Sông Bùi Thứ ba, ngày 04/04/2023 19:09 PM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động nuôi trồng thủy sản biển không được cấp có thẩm quyền cho phép trong ranh giới quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long; BQL Vịnh Hạ Long.
Bình luận 0

Chiều nay (4/4), tại Hội trường trụ sở Huyện ủy Bình Liêu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí tháng 4/2023.

Quảng Ninh - Ảnh 1.

Bà Phạm Thùy Dương - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại buổi giao ban báo chí tháng 4/2023. Ảnh: H.T

Tại hội nghị, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ninh đã thông tin một số nội dung liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Minh, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có có 80.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích đất và bổ sung thêm phần mặt nước chuyên dùng khoảng 50.000 ha và diện tích khu vực biển trên 30.000 ha.

Một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển sử dụng phao nhựa nổi không công bố hợp quy theo quy định

Liên quan đến hoạt động chuyển đổi phao xốp trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh nói rõ, xác định yêu cầu việc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình của tỉnh, Sở NNPTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm, nuôi trồng thủy sản trái phép, sắp xếp ổn định các vùng nuôi biển tập trung theo quy hoạch....

Đồng thời, phối hợp với sở, ngành liên quan kiểm tra chất lượng phao nổi dùng thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản của các đơn vị đã công bố hợp quy; tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sản xuất phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Cùng đó, tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, cung ứng và triển khai thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản biển theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Quảng Ninh - Ảnh 2.

Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh phát biểu cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi giao ban báo chí của tỉnh Quảng Ninh tháng 4/2023. Ảnh: H.T

Đáng chú ý, theo ông Minh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra lấy mẫu tại một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nổi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Qua kiểm tra, có hiện tượng một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) sử dụng phao nhựa nổi không công bố hợp quy theo quy định. Cụ thể, sản phẩm mang nhãn hiệu QUANG NAM, QN FLOATS tại huyện Đầm Hà; sản phẩm mang nhãn hiệu MY ANH PLASTICS tại huyện Vân Đồn; loại phao nhựa cỡ lớn dùng cho giàn bè nuôi hàu của Công ty TNHH Thương Mại XNK Vĩ Tuyến.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương còn bè mảng hư hỏng, dây nuôi hàu sau thu hoạch hoặc đã cắt bỏ phao xốp nằm xen kẽ các cơ sở nuôi trồng thủy sản và phao xốp sau thải bỏ trôi nổi trên mặt biển gây cản trở tuyến luồng giao thông thủy, ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường biển…

Đoàn công tác đã lấy mẫu ngẫu nhiên của 7 cơ sở hiện đang sản xuất, cung ứng phao cho bà con nuôi trồng thủy sản trên biển; 10 mẫu ngẫu nhiên tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; kết quả các mẫu vật liệu nổi qua thử nghiệm đều phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật tại quy chuẩn địa phương.

"Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế đoàn phát hiện nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng phao nhựa nổi chưa đúng hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất như khoảng cách treo phao lớn, khoảng cách giữa các dây hàu giảm, ảnh hưởng đến sức chịu tải của quả phao; nhiều quả phao nhựa bị hư hỏng, méo móp, thẩm thấu nước, nguyên nhân do lỗi của nhà sản xuất", ông Minh nói và cho biết, những sản phẩm có tỷ lệ phao hỏng chiếm cao là sản phẩm phao nhỏ của Công ty TNHH Vân Long (Hải Phòng), phao cỡ lớn nâng giàn hàu của Công ty TNHH Thương Mại XNK Vĩ Tuyến (Hải Hà).

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cung cấp tại hội nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng vật liệu nổi không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Đồng thời, tổ chức tốt việc thu gom, xử lý phao xốp phát sinh sau chuyển đổi; khuyến cáo người dân sử dụng phao nổi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định….

Quảng Ninh - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí tháng 4/2023. Ảnh: H.T

Kiên quyết xử lý nghiêm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy

Về công tác lập lại trật tự, xử lý các hành vi lấn chiếm mặt biển nuôi trồng thủy sản trên biển, theo báo cáo, hiện nay diện tích khu vực biển có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh có trên à 60.700 ha.

Diện tích mặt nước, khu vực biển đã được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là trên 2.700 ha (bao gồm 13 tổ chức và 329 hộ gia đình, cá nhân). Diện tích mặt nước, khu vực biển do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng để nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê là 2.314,9 ha (bao gồm 1.752 hộ gia đình cá nhân), không có tổ chức đang sử dụng chưa được giao, cho thuê.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 967 ha (550 cơ sở) diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép; tính đến ngày 31/3/2023, diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch đã được di dời trên 688 ha (314 cơ sở) chiếm 71,2% tổng diện tích phải di dời, số cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép đang di dời và cam kết di dời trước ngày 30/4/2023 là 236 trường hợp; một số địa phương đã hoàn thành 100% việc giải tỏa nuôi trồng thủy sản trái phép như: TP.Cẩm Phả và các huyện Vân Đồn, Tiên Yên; các địa phương khác đang ra quân quyết liệt tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa và phấn đấu xong trước ngày 30/4/2023.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương có biển đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành lang các tuyến luồng giao thông đường thủy; các vi phạm trong nuôi trồng thuỷ sản không đúng quy định; nhất là việc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động nuôi trồng thủy sản biển không được cấp có thẩm quyền cho phép trong ranh giới quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long; BQL Vịnh Hạ Long.

Gắn trách nhiệm cho UBND cấp xã nếu để xảy ra vi phạm gây ô nhiễm cảnh quan

Liên quan đến công tác xử lý môi trường trong quá trình thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các bè nuôi trồng thủy sản không đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh, báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới các địa phương trên địa bàn tỉnh cần bố trí địa điểm khu vực tập kết vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ đúng quy định, đảm bảo vệ sinh và công bố rộng rãi để người dân biết, nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu gom, tập kết vật liệu nổi nuôi trồng thủy sản đúng nơi quy định đối với các cơ sở nuôi biển thuộc diện giải tỏa do nuôi ngoài quy hoạch hoặc thải bỏ sau khi chuyển đổi sang phao nhựa phù hợp với quy chuẩn địa phương; gắn trách nhiệm cho UBND cấp xã nếu để xảy ra vi phạm gây ô nhiễm cảnh quan, môi trường biển; ban hành nội quy, quy định, chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố ý không thu gom, xử lý theo quy định (không gia hạn cấp phép hoặc thu hồi giấy phép nuôi trồng thủy sản đối với các trường hợp vi phạm)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem