Quảng Ninh: Vân Đồn sẽ thay thế gần 1 triệu phao xốp trên biển trước 30/4

Thanh Tuyền Thứ năm, ngày 16/03/2023 11:46 AM (GMT+7)
Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh và là địa phương chiếm đến gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi của toàn tỉnh. Vân Đồn khẳng định sẽ thay thế gần 1 triệu quả phao xốp còn lại trước ngày 30/4.
Bình luận 0


Mô hình sử dụng vật liệu HDPE tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Video: Thanh Tuyền

Xóa xổ phao xốp bảo vệ môi trường

Tỉnh Quảng Ninh có lợi thế nuôi trồng thủy sản trên biển, với diện tích mặt biển tương đương diện tích đất liền là trên 600.000ha, trong đó khoảng 55.000ha có tiềm năng nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên trước đây, hầu hết diện tích này đều sử dụng phao xốp để làm vật liệu nổi.

Sau 2 năm triển khai, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới chuyển đổi được 50% tổng số phao xốp trên biển. Do đó, Quảng Ninh đang "thúc" các địa phương lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn...

Đẩy nhanh tiến độ xử lý phao xốp trên biển - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) đã dỡ bỏ được khoảng 150.900 quả phao xốp. Ảnh: Cổng thông tin huyện Vân Đồn

Phao xốp là loại vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, tuy nhiên không thân thiện với môi trường, "tuổi thọ" ngắn. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

Tính đến 20/2/2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 2.425.387 quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là 1.203.997 quả phao xốp, đạt khoảng 50%. Số phao xốp còn lại cần chuyển đổi là 1.221.390 quả.

Đây chính là giải pháp của tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Là hộ nuôi trồng thủy sản lâu năm tại khu vực đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn), ông Nguyễn Sỹ Bính nhận thấy việc sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến môi trường biển. Chính vì vậy khi được tuyên truyền việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, HTX Phất Cờ của ông Bính là nơi thay thế vật liệu nổi đầu tiên trong tỉnh Quảng Ninh. Riêng hộ gia đình ông Bính đã thay thế phao xốp và sử dụng vật liệu nổi bằng vật liệu HDPE.

Bên cạnh đó, HTX Phất Cờ còn hợp tác với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp du lịch. Đây là mô hình thử nghiệm nuôi các loại thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, đồng thời cũng là nơi trình diễn các loại vật liệu nổi, kết hợp du lịch trải nghiệm.

Còn hơn 1,2 triệu phao xốp trên mặt biển

Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số lượng phao xốp chuyển đổi vẫn còn hạn chế, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Quảng Ninh), tính đến ngày 20/2/2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 2.425.387 quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là 1.203.997 quả phao xốp, đạt khoảng 50%. Số phao xốp còn lại cần chuyển đổi là 1.221.390 quả.

Trong đó, Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh và là địa phương chiếm đến gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi của toàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý phao xốp trên biển - Ảnh 2.

Xã Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) ra quân dỡ bỏ được khoảng 12.400 quả phao xốp. Ảnh: Cổng thông tin huyện Vân Đồn

Trao đổi với PV ngày 15/3, ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn thông tin, thời điểm đầu năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 4.000ha với khoảng 5,1 triệu quả phao xốp.

Trong năm 2022, Vân Đồn đã rà soát, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa, di chuyển, cắt giảm diện tích nuôi không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp với vùng nuôi. Đồng thời, huyện Vân Đồn cũng mạnh tay xử lý các hộ nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng, lạch giao thông.

Kết quả, trong năm 2022, huyện Vân Đồn đã cưỡng chế 352 hộ (không phải người dân Vân Đồn) nuôi trồng thủy sản trái phép, giảm trên 1.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, cắt giảm khoảng 4,2 triệu quả phao xốp. Vì vậy hiện nay Vân Đồn còn khoảng 2.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản và gần 1 triệu quả phao xốp cần thay thế.

Bí thư Huyện ủy huyện Vân Đồn cho biết, hằng tuần, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn đều họp trực tuyến với các địa phương để kiểm đếm tiến độ chuyển đổi phao xốp. Huyện Vân Đồn quyết tâm chuyển đổi gần 1 triệu quả phao xốp sang loại phao bằng vật liệu thân thiện môi trường trước 30/4.

 Quảng Ninh thúc tiến độ xử lý phao xốp trên biển - Ảnh 3.

Trang trại nuôi biển và trải nghiệm tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh không còn sử dụng phao xốp. Ảnh: Thanh Tuyền

Trước đó, tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy ngày 6/3, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh, Quảng Ninh kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và thống nhất trong toàn tỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển; không có vùng cấm trong xử lý vi phạm...

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/3/2023, tất cả các địa phương có biển phải hoàn thành đánh giá hiện trạng, làm rõ diện tích, vị trí, tọa độ những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển mới phát sinh, nuôi biển sau ngày có Chỉ thị 13-CT/TU. Qua đây, xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh giao UBND tỉnh chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, tiến hành kiểm tra toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo về tỉnh chậm nhất trước ngày 30/4/2023. Trong quá trình kiểm tra, cần tiến hành ngay các biện pháp xử lý theo quy định.

 Quảng Ninh thúc tiến độ xử lý phao xốp trên biển - Ảnh 4.

Các ô lồng bằng nhựa HDPE tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tuyền

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch, rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, đề xuất chính sách chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa. Đồng thời phát huy vai trò của ngành khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh trong nghiên cứu các loại phao nhựa đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Xuân Ký yêu cầu phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cấp xã, cấp huyện, người đứng đầu ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện. Trong đó, cần phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm, sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Đặng Xuân Tiến, Trưởng Bộ phận Dự án, phụ trách dự án ở Vân Đồn của Tập đoàn nhựa Super Trường Phát chia sẻ, vật liệu HDPE có giá thành đầu tư ban đầu khá cao so với hệ thống nâng nổi hiện tại bà con đang sử dụng. Tuy nhiên hệ thống vật liệu HDPE có độ bền cao, thân thiện môi trường, đảm bảo tài sản cho bà con do khi gió bão do có khả năng chống chịu với sóng gió khá tốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem