Quảng Nam: "Làn gió mát" giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ bảy, ngày 03/09/2022 12:11 PM (GMT+7)
Đông Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, với hơn 70% là người đồng bào sinh sống, vì thế địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, huyện Đông Giang đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Bình luận 0

Làng quê thay áo mới

Ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, huyện Đông Giang nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, có địa hình khá phức tạp và hiểm trở với nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, sông suối ngăn cách, thung lũng vừa hẹp, vừa sâu, nên gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện xác định phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là yếu tố then chốt, tạo động lực để đưa huyện miền núi Đông Giang phát triển đi lên. UBND huyện đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để chủ động lồng ghép, huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông đã giúp huyện miền núi Đông Giang thay đổi diện mạo. Ảnh: Trần Hậu.

Tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và đồng bào. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư.

Đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Đông Giang được đầu tư tương đối đồng bộ, với 100% số thôn có đường giao thông thuận lợi, ô tô đi lại quanh năm, 96% hộ gia đình có nước sinh hoạt tập trung, 99% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 2.

Ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang. Ảnh: Trần Hậu.

"Diện mạo cảnh quan, môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, giao thông đi lại thuận lợi, con em học tập trong các ngôi trường mới khang trang, người dân hăng say lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. NTM như một "làn gió mát" giúp Đông Giang đổi thay từng ngày...", ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang phấn khởi nói.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đông Giang có 10 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM (2 xã duy trì đạt chuẩn NTM, 2 xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM). 

Đến cuối năm 2021, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn xã NTM (xã Ba và xã Tư), 10 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 4 thôn đạt chuẩn khu NTM kiểu mẫu, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân năm 2021 đạt 15,1 tiêu chí/xã, tăng 12,9 tiêu chí/xã so với năm 2011.

Theo ông Phương, để chương trình xây dựng NTM có hiệu quả tích cực, huyện đã triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển sản xuất, giao thông và hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 4.

Trung tâm hành chính huyện Đông Giang. Ảnh: Trần Hậu.

Đối với các xã không nằm trong lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tổ dân cư NTM, thôn NTM kiểu mẫu làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn các xã.

Tại huyện Đông Giang, xã Ba và xã Tư được xem là hai xã điểm trong xây dựng NTM, từ đó tạo tín hiệu tốt lan toả các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", "Toàn dân xây dựng văn hóa khu dân cư gắn với phong trào xây dựng NTM và giảm nghèo"….

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 4.

Trường học được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018 - 2021 huyện Đông Giang đã có 13 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao trở lên (1 sản phẩm đạt 4 sao là chè dây ZaReh xã Tư); ớt A Riêu muối của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih; chè dây hoa hồng, trà hoa hồng, chè dây Za Reh, chè dây Za Reh túi lọc của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Tư và Hộ kinh doanh ông Phạm Quốc Phòng thôn Pa nan xã Tư; rượu Tà Vạc của hộ kinh doanh ông Đinh Văn Đới thôn Ra Đung, xã A Ting.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 5.

Sản phẩm dệt khăn choàng thổ cầm của tổ hợp tác thổ cẩm thôn A Reh- Đhơrôông xã Tà Lu, huyện Đông Giang đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Trần Hậu.

Các sản phẩm làng nghề truyền thống Cơ Tu như mâm mây của tổ du lịch cộng đồng thôn Bhơhôông xã Sông Kôn; túi xách, khăn choàng thổ cầm của tổ hợp tác thổ cẩm thôn A Reh- Đhơrôông xã Tà Lu; rượu Ka Kun của hộ kinh doanh Thu Thảo và Hoàng Oanh tại thị trấn Prao; trà xanh, trà Oloong của Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam...

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 6.

Đông Giang thường xuyên tổ chức các hội chợ kích cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Alăng Ngước.

Năm 2022, Đông Giang tiếp tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm để có thêm 6 sản phẩm mới công nhận 3 sao trở lên gồm tinh bột nghệ đen (2 sản phẩm), khay trà, trà hoa hồng túi lọc; măng nứa khô, chuối mốc ép dẻo, sâm cau khô và nâng cấp 1 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh là sản phẩm ớt A Riêu muối của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Mà Cooih; phấn đấu đến năm 2025 huyện Đông Giang có ít nhất 30 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Phát huy lợi thế kinh tế vườn – rừng

Theo ông Phương, huyện Đông Giang có tiềm năng và lợi thế lớn về rừng, nên thời gian qua, huyện đã tập trung ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm nông – lâm – nghiệp đặc trưng như: ớt A Riêu, chè dây, chè xanh, gỗ rừng trồng, chuối mốc, heo địa phương... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện mức sống cho người dân.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 7.

Đến cuối năm 2021, Đông Giang có 2 xã đạt chuẩn xã NTM (xã Ba và xã Tư), 10 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 4 thôn đạt chuẩn khu NTM kiểu mẫu, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân năm 2021 đạt 15,1 tiêu chí/xã. Ảnh: Trần Hậu.

Tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng bình quân hằng năm 10%. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất ước đạt 285,03 tỷ đồng, tăng 230,28 tỷ đồng so với năm 2011, tăng trưởng bình quân 9,41%/năm.

Ông Phương chia sẻ, địa phương đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân lên hàng đầu với việc xây dựng có hiệu quả các mô hình kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, loại bỏ tập quán canh tác lạc hậu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, Đông Giang có các mô hình sản xuất tập trung như: trồng chuối ở xã Jơ Ngây, sông Kôn, A Ting; trồng ớt A Riêu ở xã Mà Cooih; trồng chè dây ZaReh xen các loại cây ăn quả tại xã Ba, xã Tư; trồng cây bòn bon bản địa tại xã Kà Dăng, Mà Cooih và Jơ Ngây; trồng chanh tứ quý tại xã Jơ ngây; trồng cam, bưởi da xanh tại xã Ba; mô hình nuôi heo bản địa… đã mang lại thu nhập từ 80-120 triệu đồng/năm cho các hộ gia đình.

Quảng Nam: Làn gió mới giúp huyện miền núi Đông Giang đổi thay từng ngày - Ảnh 8.

Đông Giang đang tập trung phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, để nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Khải Khiêm – Quảng Nam.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm đặc trưng như chè dây, rượu sim, vải thổ cẩm đã trở thành sản phẩm độc quyền và thương phẩm của huyện Đông Giang.

Giá trị sản xuất dịch vụ năm 2021 của huyện đạt 562,79 tỷ đồng, tăng 519,22 tỷ đồng so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,85%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 1.464,17 tỷ đồng, tăng 1.440,52 tỷ đồng so với năm 2011, tăng trưởng bình quân 7,97%/năm.

Cùng với đó, huyện nhân rộng mô hình "thôn xanh, sạch, đẹp" làm tiền đề phát triển du lịch cộng đồng, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua liên doanh và liên kết sản xuất. Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản theo chuỗi cung ứng và lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Nhờ sự nỗ lực phát triển kinh tế, đổi mới phương thức sản xuất, mà thu nhập bình quân của huyện năm 2021 đạt 23,84 triệu đồng/người/năm, tăng 17,14 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 17,41% (chuẩn nghèo cũ), giảm 41,26% so với năm 2011 (58,67%).

"Phát huy kết quả đạt được, huyện Đông Giang phấn đấu đến 2025 có 4 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Ba), 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tư) và 2 xã đạt chuẩn xã NTM (xã Jơ Ngây và xã Mà Cooih), 10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm…", ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem