Quảng Nam “buộc” điều chuyển nguồn vốn mục tiêu nếu giải ngân chậm

06/06/2023 14:45 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, đến ngày 30/6, công trình, dự án (kể cả vốn sự nghiệp) sử dụng vốn chương trình Nông thôn mới giao từ đầu năm nhưng chưa giải ngân (giải ngân 0%) sẽ dừng giải ngân để điều chuyển vốn…

Ngày 6/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã yêu cầu đến ngày 30/6, công trình, dự án (kể cả vốn sự nghiệp) sử dụng vốn chương trình NTM giao từ đầu năm mà chưa giải ngân (giải ngân 0%) thì dừng giải ngân để điều chuyển vốn…

Quảng Nam “buộc” điều chuyển nguồn vốn mục tiêu nếu giải ngân chậm - Ảnh 1.

Phú Ninh là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

Theo đó, đến tháng 5/2023, Chương trình NTM Quảng Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như sự chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; số công trình năm 2023 chưa hoàn thành thủ tục đầu tư còn nhiều, trong đó còn 504/543 công trình.

Đối với vốn được UBND tỉnh phân bổ cho UBND cấp huyện nhưng UBND cấp huyện chậm phân bổ lại cho phòng, ban, UBND xã để thực hiện; tỷ lệ giải ngân tương đối thấp (vốn năm 2022 đạt 52,5%; vốn năm 2023 mới đạt 2%).

Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành; việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương còn thấp, nhất là đối ứng kinh phí sự nghiệp nhiều huyện chưa bố trí.

Quảng Nam “buộc” điều chuyển nguồn vốn mục tiêu nếu giải ngân chậm - Ảnh 2.

Quảng Nam “buộc” điều chuyển nguồn vốn mục tiêu nếu giải ngân chậm. Ảnh: T.H

Đặc biệt, số thôn phấn đấu thôn NTM kiểu mẫu được giao vốn nhưng chưa phê duyệt phương án còn nhiều, công tác chỉ đạo rà soát quy hoạch còn chậm; trong 117 xã đã đạt chuẩn NTM có đến 104 xã chưa duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí mới; việc báo cáo thông tin định kỳ hằng tháng ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn yêu cầu, thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, trong khi đó nguồn kinh phí chưa giải ngân còn lại rất lớn (kể cả nguồn 2022 chuyển sang), nếu chậm thực hiện sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, lãng phí nguồn lực, tác động lớn đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách từ chương trình NTM.

Do đó, yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tập trung, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện chương trình NTM, trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban liên quan, chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án, mở mã số dự án, giao vốn, giải ngân theo đúng thời gian theo chỉ đạo của UBND tỉnh; trong đó khẩn trương giao vốn trước ngày 10/6.

Đối với trường hợp các địa phương chưa hoàn thành, giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh theo dõi, tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo kiểm điểm, phê bình.

Bên cạnh đó, nếu đến ngày 30/6, công trình, dự án (kể cả vốn sự nghiệp) sử dụng vốn chương trình NTM giao từ đầu năm mà chưa giải ngân (giải ngân 0%) thì dừng giải ngân để điều chuyển vốn.

Quảng Nam “buộc” điều chuyển nguồn vốn mục tiêu nếu giải ngân chậm - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn trong một lần kiểm tra cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV

"Giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh theo dõi, rà soát, đôn đốc các huyện để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, trong đó cần theo dõi nguyên nhân chậm do chủ quan hoặc khách quan, để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cho phù hợp với từng nhóm nội dung, riêng đối với công trình chậm do chủ quan thì nghiêm túc phê bình chủ đầu tư.

Ngoài ra, trường hợp không đảm bảo theo thời gian đã cam kết thì điều chuyển vốn và ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bổ sung để thực hiện hoàn thành đối với công trình đã bị điều chuyển vốn, kế hoạch các năm sau không được sử dụng ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh cho công trình bị điều chuyển vốn này…", kết luận nêu rõ.

Riêng đối với kinh phí duy trì chuẩn hỗ trợ cho 2 xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn và xã Bình Tú, huyện Thăng Bình trong năm 2022 nhưng không sử dụng hết, trong đó xã Điện Hòa còn 485 triệu đồng, xã Bình Tú còn 500 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn, yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn, UBND huyện Thăng Bình chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan của xã Điện Hòa, xã Bình Tú, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/6; đồng thời đề nghị địa phương bố trí bù ngân sách cấp mình để thực hiện duy trì chuẩn theo quy định, với mức bố trí ít nhất bằng nguồn không sử dụng hết.

Giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh giảm phân bổ cho các xã này ở các năm sau nếu như các xã này không tập trung khắc phục những tồn tại, khuyết điểm…


Trương Hồng
Cùng chuyên mục