Quảng Bình: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quảng Ninh "nợ" tiền công thuê bảo vệ rừng của nông dân

Trần Anh Thứ năm, ngày 08/12/2022 05:42 AM (GMT+7)
Nhiều người dân ở xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện này hợp đồng tham gia bảo vệ rừng nhưng sau đó bất ngờ bị chấm dứt và chưa trả tiền công.
Bình luận 0

Báo Dân Việt nhận được nhiều phản ánh của người dân xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) về việc chính quyền địa phương hợp đồng khoán việc tham gia bảo vệ rừng nhưng bất ngờ chấm dứt hợp đồng và chưa chi trả tiền cho bà con.

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh N. (người dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Vừa qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh có hợp đồng khoán công việc với tôi cùng một số bà con trong bản để tăng cường, tham gia công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại các trạm, chốt và được hứa trả 300.000 đồng/ngày công. Người dân chúng tôi nhận thấy việc tham gia bảo vệ rừng là rất tốt và còn nhận được tiền công nên nhiều bà con bỏ công việc đã làm để tham gia.

Tuy nhiên, khi mới tham gia công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng được một tháng thì ban chấm dứt hợp đồng. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền công đã bỏ ra và không biết khi nào mới nhận được", anh N. nói.

Dân miền núi Trường Sơn (Quảng Bình) "đòi" chính quyền trả tiền bảo vệ rừng  - Ảnh 1.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh hợp đồng khoán công việc với một số người dân ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để tăng cường, tham gia công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Ảnh: TA

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Minh Cừ - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, cho biết: "Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Với chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, bảo vệ rừng trên tổng diện tích 51.909 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ nằm trên địa bàn hành chính 3 xã: Trường Xuân, Trường Sơn và Vĩnh Ninh".

Theo ông Cừ, để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phần được giao. Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đã tiến hành hợp đồng khoán công việc với 16 người đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Trường Sơn để tăng cường, tham gia công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại các trạm, chốt của đơn vị.

Tuy nhiên, mới hợp đồng được một tháng thì UBND huyện Quảng Ninh không phê duyệt ngân sách nữa.

Quảng Bình: Người dân miền núi Trường Sơn "đòi" chính quyền sớm trả tiền hợp đồng bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Trụ sở Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh. Ảnh: TA

"Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp và mời bà con đến thông báo về việc chấm dứt hợp đồng. Quan điểm của Ban là sẽ trả tiền cho bà con dân bản. Hiện Ban đang hoàn thiện tính công và làm tờ trình để xin duyệt cấp tiền chi trả cho 16 người dân xã Trường Sơn mà ban đã ký hợp đồng. Tổng kinh phí phải chi trả cho 16 người là 125.700.000 đồng, trong đó, ban có 71.272.000 đồng từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và còn thiếu 54.428.000 đồng đang trình xin kinh phí từ huyện", ông Cừ cho hay.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết: "Mấy năm trước, có dự án hợp đồng để bảo vệ rừng, tuy nhiên, từ đầu năm 2022, nguồn dự án đó hết đi. Vừa rồi, khoảng tháng 10, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguồn bảo vệ rừng, mặc dù chưa cấp tiền về, chưa có văn bản cụ thể nhưng nóng ruột quá nên giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện hợp đồng với một số người dân để tăng cường công tác bảo vệ rừng ở các điểm có nguy cơ phá rừng cao. Nhưng đến khi có tiền về, có văn bản hướng dẫn thì một số đối tượng chi trả không được".

"Hiện dưới Ban đã có tờ trình, uỷ ban huyện cũng đã giao phòng Tài chính rà soát nguồn, chắc chắn, huyện sẽ bố trí để trả tiền cho những người mà ban đã hợp đồng bảo vệ rừng trong vòng một tháng. Còn sau này, khi rà soát lại Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nếu người nào đủ điều kiện thì có thể hợp đồng tiếp", ông Đông chia sẻ.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem