Học theo tư tưởng của Bác Hồ về “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”, anh Mai Văn Họp (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã từng bước vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp độc đáo (nuôi ba ba kết hợp với rắn ri voi).
Không như nhiều nông dân khác vươn lên làm giàu nhờ đất ruộng bề bề, chỉ với 4 công đất canh tác nhưng anh Họp vẫn có thể vươn lên làm giàu bằng sự cần cù và ý chí quyết tâm không bỏ cuộc. Không những vậy, anh còn giúp đỡ cho nhiều nông hộ vươn lên theo hướng “ít đất vẫn làm giàu”.
Nhờ biết tận dụng diện tích đất sản xuất, anh Mai Văn Họp đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi ba ba và rắn ri voi.
“Diện tích nhỏ, thu nhập lớn”
Đó là phương pháp sản xuất được anh Mai Văn Họp lựa chọn áp dụng cho mô hình “chăn nuôi tổng hợp” của mình. Với anh Họp, để phát triển kinh tế hộ, nhiều nhà nông thường lựa chọn làm theo mô hình khuôn mẫu, thành công đã có ở địa phương, nhưng với anh Họp thì khác, anh đã mạnh dạn tìm cho mình “hướng đi riêng” để vực dậy kinh tế gia đình.
Bởi trước đây, đời sống gia đình anh Họp khá chật vật “nhà có đến 4 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào 2 công ruộng và vườn trồng dừa kết hợp nuôi cá”- anh Họp kể.
Nhận thấy “người trẻ phải nỗ lực không ngừng vươn lên”- anh Họp “nhẵn mặt” tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp để “làm giàu” vốn kiến thức làm nông.
“Hiện, ba ba có giá 350.000 đ/kg, rắn ri voi 600.000 đ/kg. Giá cả 10 năm nay luôn ổn định. Đặc biệt là nhu cầu của thị trường lớn hơn cung nhiều lần”- anh Họp phấn khởi nói. Chỉ với hơn 210m2nuôi ba ba và rắn ri voi, anh thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. |
Từ đó, anh mạnh dạn đầu tư tăng gia sản xuất trên phần diện tích canh tác của mình với mô hình chăn nuôi tổng hợp. “Lúc đó, tuy không đủ vốn nhưng tui vẫn kiên quyết làm dù phải vay mượn”- anh Họp kể.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ba ba trên thị trường rất cao và nguồn thức ăn ốc bươu vàng, cá tạp ở địa phương còn bỏ phí, anh Họp bắt tay vào mô hình chăn nuôi tổng hợp. Anh bắt đầu nuôi ba ba thương phẩm và con giống.
Linh hoạt từ điều kiện sản xuất gia đình, nhận thấy lượng cá trê sau thu hoạch còn sót lại, anh Họp nghĩ ngay đến việc tận dụng nguồn thức ăn có sẵn này. Thế là, anh tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật và quyết định đầu tư nuôi thêm rắn ri voi thương phẩm và con giống.
“Lấy ngắn nuôi dài”, sau 2 năm, mô hình chăn nuôi tổng hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Sau 24 tháng nuôi ba ba, anh Họp cung cấp cho thị trường khoảng 1.200 con ba ba thịt và 840 con giống, thu lời hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh, anh còn thu được hơn 1.100 con rắn ri voi thương phẩm và con giống, thu lời trên 55 triệu đồng sau 12 tháng.
Kiên trì dẫn đến thành công
Nghề nuôi ba ba và rắn ri voi là một trong những hướng đi đúng để cải thiện kinh tế gia đình, thậm chí làm giàu. Anh Họp còn hỗ trợ hơn 10 hộ nuôi bằng hình thức giảm 50% giá giống.
“Học theo Bác, tôi làm từ những việc nhỏ gắn với bản thân mình, phải chịu khó, chịu làm, tăng gia sản xuất, không để lãng phí đất đai, thời gian và tiền của”- anh Họp chia sẻ. Kiên trì trong mọi việc, cần cù trong học tập, tỉ mỉ trong công việc nhà nông là những bí quyết thành công của anh Họp.
Thời gian để thu hồi vốn trong sản xuất nông nghiệp tương đối dài. Vì vậy, nhiều bà con “sốt ruột, đợi không nổi”.
Bởi, từ lúc bắt đầu nuôi tới lúc thu hoạch thường mất 1- 2 năm, đòi hỏi mình phải kiên trì, không được nản lòng, “thành công không dễ có được trong ngày một ngày hai”- anh Họp nói.
Từng loay hoay tìm hướng đi đúng để cải thiện kinh tế gia đình vươn lên làm giàu, hơn ai hết, anh Họp hiểu và mong muốn hỗ trợ để “nông dân ai cũng có thể làm giàu”.
Anh Họp còn cho biết thêm: “Tới đây, tôi tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình cho bà con, cô bác trong ấp có nhu cầu nuôi và sẵn sàng giúp đỡ về mặt kỹ thuật, con giống”.
Là một trong những hộ được anh Họp hỗ trợ kỹ thuật nuôi rắn ri voi, anh Nguyễn Văn Thảo (ấp Hiếu Trung A, xã Hiếu Nghĩa) chia sẻ: “Anh Họp luôn tận tình chỉ dẫn hết kinh nghiệm nhà nông cho bà con, chính vì vậy nhiều nông dân trong xã có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống”.
Ông Huỳnh Thanh Nhân- Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa- cho biết: “Là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Mai Văn Họp rất chí thú làm ăn, vượt khó vươn lên làm giàu. Song song đó, anh Họp còn hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật cho bà con hộ nghèo, khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương” |