Nhận được thông tin loại sâm Bố Chính-sâm quý tiến vua phát hiện mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi quyết định thượng sơn bắt đầu một hành trình tìm sâm nơi vùng đất Trung Thuần đầy huyền tích về giá trị lịch sử, văn hóa...
Nguyễn Văn Phương, người có khu trang trại ngay chiến khu Trung Thuần trở thành tình nguyện viên dẫn đường. Phương bảo: “Nếu đi bộ lên đến đỉnh… thời gian phải mất gần một ngày”.
Tương truyền, sản vật sâm Bố Chính được mệnh danh là sâm tiến vua. Sâm Bố Chính hiện diện khắp một vùng rừng núi quanh đỉnh Chóp Chài. Và mỗi lần cụ Nguyễn Hàm Ninh hồi kinh, không thể không mang theo thứ sản vật quý giá nơi quê hương mình để làm quà cho đất kinh thành Huế.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Trung Thuần dưới chân núi Chóp Chài-nơi sâm Bố Chính tự nhiên phân bố.
Trước khi khởi hành, Nguyễn Văn Phương đưa chúng tôi đến thắp hương tại miếu Thành Hoàng nằm tĩnh lặng nơi khoảng rừng cách đường xuyên Á chừng 50 mét, nổi tiếng thiêng khắp một vùng Quảng Thạch, Quảng Lưu. “Không biết từ bao giờ, miếu Thành Hoàng đã tồn tại ở đây rồi. Miếu thờ ngài khai khẩn và các vị Thành Hoàng bảo trợ”, người dẫn đường bảo tôi như vậy.
Trong câu chuyện của Nguyễn Văn Phương, chúng tôi mới biết loại sâm Bố Chính ngày xưa mọc nhiều khắp một vùng núi non Trung Thuần. Thời Phương còn vắt quần dài lên cổ theo chúng bạn vào núi chăn bò, sâm Bố Chính trở thành thứ thực phẩm tăng lực cho bọn trẻ như Phương, cứ thấy là “tróc” lên, phủi sạch hết đất rồi nhai sống như ăn khoai lang vậy. Bây giờ mảng rừng phía dưới núi Chóp Chài, đốt đèn cũng chẳng tìm thấy.
Đến với chiến khu Trung Thuần, cũng phải ngược thời gian một chút để tìm hiểu về vùng đất địa linh này. Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, Trung Thuần là căn cứ địa cách mạng của lực lượng vũ trang do tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với đường Trường Sơn chỉ huy. Từ chiến khu Trung Thuần, theo lệnh Tổng khởi nghĩa, lực lượng vũ trang tiến về cướp chính quyền tại phủ Quảng Trạch vào sáng ngày 23-8-1945.
Xa hơn nữa trong lịch sử, vùng đất Trung Thuần còn gắn liền với tên tuổi của hai danh sỹ Quảng Bình là cụ Lê Trực và cụ Nguyễn Hàm Ninh. Cụ Lê Trực quê quán xã Thanh Thủy (nay là xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa) từng đỗ tiến sỹ võ làm quan đến chức Đề đốc dưới triều vua Tự Đức. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ Lê Trực mộ quân, xây dựng lực lượng, chọn đất Trung Thuần làm căn cứ địa.
Sâm Bố Chính mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài.
Trong khoảng thời gian 1885-1888, nghĩa quân Lê Trực liên tiếp tổ chức nhiều trận tập kích, công đồn làm cho quân Pháp và triều đình Huế kinh hồn bạt vía, hoang mang, lo sợ.
Ngày nay, tại chiến khu Trung Thuần vẫn còn những dấu tích và địa danh gắn liền với tên tuổi, chiến công của nghĩa quân Lê Trực: Bạch Thạch, Linh Thần, Tiền Miếu, Xuân Vương, “Sáng Trăng, Trưa Má, Ao Cá, Bãi Tập”…
Về danh nhân Nguyễn Hàm Ninh, cụ tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Kinh (nay là xã Phù Hóa) sau đến ở với một bà cô tại làng Trung Ái (nay là Trung Thuần) thuộc phủ Bình Chánh (huyện Quảng Trạch ngày nay). Cụ Nguyễn Hàm Ninh đậu giải nguyên kỳ thi hương năm 23 tuổi (năm Tân Mão 1831).
Đời làm quan của cụ lắm thăng trầm. Ban đầu, cụ được bổ dạy học tại Quốc Tử Giám. Năm Quý Tỵ (1833), cụ làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, cụ về chịu tang cha, đến năm Bính Thân (1836), được mời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Năm Mậu Tuất (1838), cụ giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng bãi chức cho về quê.
Tương truyền, sản vật sâm Bố Chính được mệnh danh là sâm tiến vua. Sâm Bố Chính hiện diện khắp một vùng rừng núi quanh đỉnh Chóp Chài. Và mỗi lần cụ Nguyễn Hàm Ninh hồi kinh, không thể không mang theo thứ sản vật quý giá nơi quê hương mình để làm quà cho đất kinh thành Huế. |
Về quê ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò cụ là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), cụ được mời lại chốn quan trường giữ chức Hành tẩu ở Nội các. Năm Bính Ngọ (1846), cụ sang làm Lang trung bộ Lễ, rồi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa.
Ở Khánh Hòa cụ bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, khi về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân. Ít lâu sau, được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, lần này thì cụ bị cách chức luôn. Cụ Nguyễn Hàm Ninh về quê vợ vui thú điền viên nơi thôn Vân Tiền (nay thuộc xã Quảng Lưu) cho đến lúc mất, thọ 59 tuổi. Lăng mộ hiện nay ở tại xã Quảng Lưu.
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến cụ Nguyễn Hàm Ninh khá kỹ là vì tuổi thơ của cụ hay trong quá trình làm quan bị cách chức và thời gian cuối đời, cụ đều sinh sống nơi vùng đất Trung Thuần.
Về sâm Bố Chính, loài sâm tiến vua, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong... Nhân sâm sản xuất ở các xã Phù Lưu, Tiên Lễ, châu Bắc Bố Chính, hoa màu tía, trồng trong chậu cát cũng sống, chưng phơi đúng phép thì tình trạng chẳng khác gì sâm bắc, mùi thanh ngọt, uống vào cơ thể tăng thêm khí lực, người ta dùng nhiều”.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Bình sâm tức nhân sâm Nam, sản xuất ở núi Thành Thang huyện Minh Chính, có lệ tiến vua”. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cũng nhắc đến sâm Bố Chính hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác nơi vùng đất miền Trung nắng gió.
Trở lại với chuyến “thượng sơn” lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm Bố Chính, theo con đường độc đạo, hoang sơ giữa rừng, khi lên khoảng lưng chừng núi Nguyễn Văn Phương ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, anh tỉ mẫn xem kỹ những dấu ký hiệu để lại của những lần khám phá trước.
Một lúc sau, Nguyễn Văn Phương thở phào nhẹ nhõm: “Đến khu vực có sâm rồi anh!”. Nguyễn Văn Phương chỉ cho chúng tôi thấy ẩn khuất sau tán rừng xanh dày khá sạch thoáng là một khóm sâm Bố Chính mọc, nhẹ nhàng trổ từng cánh hoa phơn phớt hồng.
Bắt đầu từ khóm sâm đầu tiên được đánh dấu, chúng tôi xuyên rừng tỏa về các bên sườn núi Chóp Chài, thấy sâm mọc ngày càng nhiều, tuy nhiên mật độ không đều so với diện tích rừng tự nhiên.
“Qua 5 lần lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm, mình khẳng định ban đầu rằng trong khoảng bán kính 10km có sự phân bố của sâm Bố Chính. Như vậy, loại sâm Bố Chính mọc tự nhiên ở vùng đất Trung Thuần chưa bị biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại trên núi Chóp Chài”, Nguyễn Văn Phương chia sẻ lúc đoàn tìm sâm ngồi nghỉ ở một con dốc thoải.
Hành trình tìm sâm Bố Chính trên núi Chóp Chài không phải chỉ để dừng lại việc khẳng định rằng loại sâm tiến vua tự nhiên vẫn đang hiện hữu trên mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Bình. Bởi sau chuyến đi, mẫu sâm Bố Chính núi Chóp Chài được gửi giám định tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) với kết quả khả quan, tạo ấn tượng và sự quan tâm trong giới nghiên cứu khoa học.
Một công ty chuyên về bảo tồn, phát triển, khoanh nuôi, quảng bá thương hiệu sâm Bố Chính tự nhiên núi Chóp Chài cũng được thành lập với tên gọi Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính. Hy vọng tương lai không xa, sâm Bố Chính tự nhiên-loại sân tiến vua của vùng đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình sẽ được bảo tồn, gìn giữ, phát triển. |