Làng trầu Vị Thủy hiện được xem là độc nhất ở ĐBSCL với diện tích 250 công (25ha). Trầu được trồng tập trung chủ yếu ở ấp 5 và ấp 7 xã Vị Thủy, với khoảng 150 hộ trồng. Nhờ trồng trầu mà người dân Vị Thủy không chỉ có tiền tiêu quanh năm mà khiến cả làng, cả xã đẹp như bức tranh.
Giá trầu dao động từ 1.000 - 10.000 đồng/ốp (40 lá). Theo chính quyền địa phương, chỉ cần giá bán 1.000 đồng/ốp trầu là người dân ở đây sống khỏe, vì cứ độ 12-15 ngày là tới đợt thu hoạch lá trầu.
Những ngày đầu tháng 9/2018, người trồng trầu ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vui mừng khi trầu được giá. Người dân ở xã Vị Thủy và Vị Thắng đang bán trầu với giá 3.800 đồng/ốp, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Đường nông thôn dẫn vào Làng Trầu Vị Thủy. Ảnh: CAO PHONG
Theo tính toán của người dân trồng trầu, với giá bán hiện tại, mỗi đợt thu hoạch, sau khi trừ chi phí thì nông dân có lãi khoảng 9 triệu đồng/công (90 triệu đồng/ha). Nếu tính thu hoạch 2 đợt lá trầu trong 1 tháng, trung bình người trồng lãi 18 triệu đồng/công/tháng (180 triệu đồng/ha/tháng).
“Lúc nhỏ đi dọc xóm, tôi thấy nhà nào cũng có vài chục nọc trầu. Đến lúc lấy chồng, hai vợ chồng bắt đầu trồng trầu. Giờ tạo dựng được 3.000 nọc. Mỗi tháng hái 3 lần, mỗi lần trên dưới 3 thiên. Giá ốp trầu không cao nhưng thu hoạch 3 lần/tháng cũng đủ chi tiêu gia đình”, bà Võ Thị Hai, đã ngoài 50 tuổi, ở xã Vị Thủy cho biết.
Nhiều gia đình ở đây đã có 3 thế hệ sống nhờ trồng trầu. Ảnh: CAO PHONG
Được biết, hiện nay trên địa bàn có một vựa thu mua ốp trầu để cung cấp cho TPHCM và xuất khẩu sang Trung Quốc nên người dân cũng yên tâm đầu ra.
Hiện xã Vị Thủy đã hình thành Câu lạc bộ Vườn Trầu với nhiều thành viên có vườn trầu đậm nét quê. Cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Làng Trầu Vị Thủy đã kết nối trục du lịch tâm linh gắn với sinh thái của Hậu Giang. Chính quyền địa phương khá yên tâm khi diện tích trồng trầu ổn định - không tăng, không giảm.
Giá ốp trầu đang tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Ảnh: CAO PHONG
Nhiều gia đình ở Vị Thủy đã có 3 thế hệ gắn bó thân thiện với cây trầu và sống nhờ ốp trầu.
“Huyện Vị Thủy đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký cho thương hiệu Làng Trầu Vị Thủy. Chúng tôi đang hướng dẫn người dân nơi đây trồng trầu theo phương pháp hữu cơ để tạo cái nhìn thân thiện về miếng trầu. Huyện dự định sẽ mở du lịch homestay thí điểm tại Làng Trầu Vị Thủy”, ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết.
Những người đàn ông trong làng cũng tham gia chăm sóc và thu hoạch lá trầu.
Cảnh đậm nét hồn quê của CLB Vườn Trầu
Người dân ở Vị Thuỷ thu hoạch và chăm sóc vườn trầu của gia đình. Ảnh: Tô Phục Hưng