Do biết cây đinh lăng có nhiều dược tính quý, ông Trần Văn Xuân (ngụ KP.1, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) đã mạnh dạn trồng gần 1 ngàn gốc. Qua 8 năm chăm sóc, đến nay vườn dược liệu này đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn mang về cho gia đình ông khoản thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Cây đinh lăng là một loại cây rất đỗi gần gũi đối với người dân nông thôn, nhưng rất ít ai biết được đó chính là một loại sâm quý. Với hàng chục công dụng về chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, phục hồi chức năng đã được khoa học chứng minh, cây đinh lăng của Việt Nam không hề kém cạnh gì so với một số loại sâm quý của Hàn Quốc.
Ông Trần Văn Xuân (ngụ KP.1, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) có thu nhập cao từ gần 1 ngàn cây đinh lăng. Ảnh: H. Đình
Do vậy, ông Xuân quyết định trồng đại trà cây dược liệu này. Thời điểm đó do không có điểm cung cấp giống đinh lăng nên ông phải cất công đi xin từng cành nhỏ của người quen để mang về trồng.
Ông Xuân cho biết, cây đinh lăng rất dễ trồng lại không kén đất. Tuy nhiên, cây lại rất mẫn cảm với độ ẩm cao, dễ phát sinh nấm bệnh. Do vậy vườn đinh lăng lúc nào cũng phải đảm bảo thông thoáng. Để có những củ đinh lăng đẹp, khi trồng ông Xuân cày ải cho đất tơi xốp, sử dụng các hom giống nhỏ và trồng theo phương thẳng đứng. Khi cây đinh lăng được 2-3 năm tuổi, ông cắt, tỉa bớt thân để cây nuôi củ.
Ông Xuân cho biết, hiện nay vườn nhà ông có khoảng 1 ngàn gốc cây đinh lăng (loại lá nhỏ), mỗi củ có trọng lượng trung bình khoảng 2kg. Trong thời gian qua đã có nhiều thương lái đến chào mua củ đinh lăng của gia đình ông với giá 300.000 đồng/kg, thân và lá phơi khô giá thu mua cũng từ 35.000 - 50.000 đồng/kg.
Hiện nay đinh lăng không chỉ được người sử dụng cắt lát hoặc ngâm nguyên củ, mà còn được các nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ thành nhiều tác phẩm nghệ thuật rất đẹp mắt như: bộ tam đa (phúc, lộc, thọ); cá chép, cóc ngậm tiền... để ngâm rượu với giá trị từ 2-3 triệu đồng/bình rượu.