TTVH Online

Độc đáo phong tục cúng Rằm tháng 7 của các dân tộc

Phong Cầm 17/08/2018 16:04 GMT+7

Rằm tháng 7 âm lịch trong quan niệm của người Việt sẽ có 2 lễ lớn là lễ Vu lan và lễ xá tội vong nhân. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên cả nước lại có những phong tục cúng Rằm tháng 7 rất riêng, độc đáo.

Tết Rằm tháng 7 của người Dao

Rằm tháng 7 được đồng bào dân tộc Dao xem là một trong 3 cái Tết lớn của dân tộc mình.

Theo phong tục của người Dao, họ thường bắt đầu ăn Rằm tháng 7 từ ngày mồng 1 tháng 7 âm lịch và sẽ không quá ngày 14 âm lịch. Bởi vì theo quan niệm họ lấy ngày 14 tháng 7 âm lịch (chiệp phẩy) là ngày chính rằm.

Vào ngày này con cháu người Dao đều sửa soạn cúng bài tổ tiên, thần linh để tưởng nhớ đến công lao sinh thành và cầu mong sự ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng Rằm tháng 7 của dân tộc Dao. Ảnh: I.T

Lễ vật cúng bao gồm: Một con heo, 1 con gà trống, bánh chưng của người Dao, rượu và 5 cái chén, 1 chén nước, 1 bát nhang, giấy bản của người Dao.

Cỗ Rằm tháng Bảy của người Dao sẽ được tổ chức theo quy mô từng gia đình. Tuy nhiên, nếu gia đình nào không tự làm lễ cúng được thì sẽ mời thầy cúng về để làm lễ cúng cho gia đình mình. Đồng thời, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị từ 5 - 7 mâm cỗ để mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến cùng ăn tết.

Tết Xíp xỉ của dân tộc Giáy

Rằm tháng 7 trong quan niệm của người Giáy ở tỉnh Lào Cai là một lễ tết lớn. Trong tiếng Giáy, Rằm tháng 7 có cách  gọi “tết Xíp xỉ”. Tết này thường được tổ chức vào chiều 14.7 âm lịch.

Theo tục lệ, người Giáy tổ chức lễ dâng cúng lên tổ tiên với ý nguyện cầu xin sức khỏe, an lành, thịnh vượng cho gia đình. Lễ vật cỗ cúng được sắm chu đáo như: Gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, canh... Đặc biệt là các gia đình đều tổ chức gói bánh rợm để dâng cúng tổ tiên.

Một điều tạo nên sự khác biệt trong lễ Rằm tháng 7 của người Giáy nữa là họ tự mua giấy màu về để cắt tiền vàng, quần áo, hàng mã theo đúng trang phục truyền thống dân tộc mình.

Bên cạnh đó, lễ cúng chúng sinh được đồng bào cúng vào thời điểm 21 - 22 giờ đêm. Thủ tục lễ cúng đơn giản là cắm 7 nén hương thành hàng trước ngõ, sau đó trộn xôi, cháo, thịt lợn, nước canh, rắc dọc theo chân hương rồi làm lễ.

Lễ Pây tái của dân tộc Tày, Nùng

Trong quan niệm của dân tộc Tày và Nùng, ngày Rằm tháng 7 là dịp để báo hiếu. Theo truyền thống, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn đến công sinh thành của cha mẹ. Và từ "Pây tái" trong tiếng Tày có ý nghĩa như vậy.

Đồng bào tự mua hàng giấy về cắt đồ hàng mã cúng tổ tiên vào rằm tháng 7. Ảnh: I.T

Lễ chính thức được tổ chức vào 2 ngày 14 và 15 tháng 7 âm lịch. Vào ngày gần rằm, mọi công việc đều được tạm dừng để chuẩn bị làm bánh gai, thịt vịt để cúng tổ tiên và chuẩn bị đồ lễ để "đi tái" nhà ngoại.

Mâm cỗ cúng tổ tiên trong Lễ Pây tái của dân tộc Tày không thể thiếu: Bánh gai, thịt vịt và hoa quả. Người Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết” (nghĩa là: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt).

Thịt vịt không thể thiếu trong mâm cỗ của cúng Rằm tháng 7 của họ bởi vì theo truyền thuyết của dân tộc vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hằng năm, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân.

Clip: Sự tích ngày Rằm tháng Bảy. Nguồn: Youtube

Nguồn gốc của lễ Vu lan báo hiếu được xuất phát từ sự tích của Phật giáo. Theo sách Phật ghi chép lại, Đệ tử đức Phật Thích ca là Mục Kiền Liên - là đệ tử thần thong nhất với nhiều những thuật biến hóa và hoàng pháp tế độ chúng sinh.

Thương xót mẹ ở chốn địa ngục phải chịu cảnh đày ải khổ sở, đói khát. Theo lời đức Phật, Ngài đã đem hết của cải trong nhà cũng mời các vị chư tăng mười phương. Được sự giúp đỡ, đồng tâm hiệp lực của các chư tăng lập đàn cầu siêu tế độ giúp cho bà siêu thoát được.

Bởi thế cứ hễ đến ngày rằm tháng 7, người dân thường đến chùa chiền tham dự ngày lễ báo hiếu cha mẹ.

>>> XEM THÊM: 

Văn tế khấn lễ tổ tiên ngày Rằm tháng Bảy

Tục lệ cúng rằm tháng 7 của các nước như thế nào?

Bảo Ngọc (tổng hợp)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN