An Giang là một hình ảnh thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ với cảnh sắc an bình, ẩm thực phong phú và những con người thân thiện.
Sắc màu An Giang. Ảnh: Dương Hoàng Minh
Một đứa trẻ sinh ra ở miền Bắc như tôi luôn thấy có cảm hứng vô cùng với những mảnh đất khác nơi mà mình sinh sống. Ở những nơi đất lạ tôi đi ấy là những màu văn hóa, ẩm thực, lịch sử, phong tục, … cần mẫn truyền từ đời này qua đời khác, tạo nên nét riêng mà không trộn lẫn. Giống như, những câu chuyện, những dải đất, những đoạn kênh miền Tây, tôi chẳng thể nào tìm thấy bóng dáng ở làng quê Bắc Bộ.
Lạc lối trong chuyến đi bụi An Giang, mọi thứ tua qua như một thước phim, không hẳn chạm kỹ từng cảm xúc, nhưng làm tôi thấy mến thật mến vùng đất này.
Người ta bảo rằng, An Giang là một hình ảnh thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ, len lỏi trong trí nhớ của kẻ lữ khách là cảnh sắc an bình, ẩm thực phong phú và những con người thân thiện. Không kỹ tính và kín kẽ như miền Bắc, An Giang là điểm hội tụ của sự đa sắc màu và văn hóa. Người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm cùng sống trên mảnh đất An Giang.
Mỗi dẫn tộc lại mang theo một nét nhân văn, giữ lại đây như nếp nhà, trân trọng và bảo vệ nó. Ở An Giang có những nét đẹp văn hóa, kiến trúc đặc trưng, được tôn sùng như bảo vật. Thời đại thay đổi, cuộc sống xưa không còn nhưng người dân ở đây vẫn một lòng chăm bón, giữ gìn, nặng lòng như tình yêu của người Tràng An với Thăng Long xưa.
Những nếp nhà văn hóa An Giang. Ảnh: Dương Hoàng Minh
Một ngày ở An Giang là quá ít ỏi so với lớp trầm tích văn hóa nơi đây. Nhưng một ngày An Giang vẫn rất nhiều nơi để đến. Chúng ta có thể đi tới hồ Soài So, hồ Tà Pạ, chùa Tà Pạ, núi Sam, miếu bà Chúa Xứ, chùa Hang, chợ Châu Đốc, tượng đài cá BaSa, thánh đường Mubarak.
Nếu từ Tri Tôn có thể đi các điểm: hồ Tà Pạ, Soài So, Soài Chek, chùa Tà Pạ, Tức Dụp rồi theo tỉnh lộ 948 để đi về Châu Đốc - Núi Sam. Trên tỉnh lộ 948 có đi ngang qua núi Cấm, núi Ông Két, rừng tràm Trà Sư. Đến Núi Sam thì có thể đi các điểm: Miếu bà Chúa Xứ, chùa Hang sau đó tiến về chợ Châu Đốc qua tượng chợ Châu Đốc có tượng đài Cá BaSa, qua phà Châu Giang đến thăm thánh đường Mubarak kết thúc hành trình.
Những khung cảnh bình dị ở An Giang. Ảnh: Dương Hoàng Minh
Những cung đường này, những điểm đến này có lẽ không phải là một An Giang hoàn thiện. Để tìm một An Giang với biết bao nhiêu câu chuyện kể xa xôi xưa thì một tháng, một năm cũng chẳng đủ. Bấy nhiêu đây coi như món quà ra mắt cho kẻ lữ khách phương xa. Một lần tận mắt thấy An Giang, thấy Champa để có thêm mong muốn tìm hiểu về một phần dân tộc rất khác.
Ở Bắc Việt, sẽ chẳng bao giờ bạn có cơ hội chiêm ngưỡng thánh đường hay tháp của người Chăm, tò mò về những bí mật bị phong kín trong cách xây dựng tháp. Vì dĩ nhiên, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thắc mắc về ý niệm xây dựng nhà như thuyền của họ. Đương nhiên rồi, không đến đây cũng chẳng bao giờ có cơ hội được gặp những con người rất thật.
Có thể, An Giang trong câu chuyện kể của tôi vẫn là những hình dung chưa rõ ràng, vẫn là những hình ảnh lấp lánh bên ngoài nhưng nó cuốn người ta đi tìm những vẻ đẹp nội tại cố hữu.