Giữa mênh mông sóng nước Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), nơi cách đất liền hàng trăm km vẫn có những phiên chợ với đầy đủ mứt, bánh chưng, rượu bia… Phiên chợ này dành cho những con tàu đánh bắt xuyên giao thừa trên vùng biển đảo Hoàng Sa máu thịt của Tổ quốc.
Tàu lớn vươn Hoàng Sa ngày Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tại cảng cá lớn nhất miền Trung - Cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhộn nhịp tàu thuyền ra ra vào vào buôn bán hải sản, tiếp nguyên nhiên liệu. Trong đó, phần lớn tàu thuyền đã neo chặt tàu để nghỉ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đang cận kề. Vậy nhưng, vẫn có những chủ tàu dịch vụ hậu cần đang chuẩn bị hàng tấn hàng hóa để sẵn sàng ra biển xuyên Tết.
Cờ Tổ quốc vẫn sẽ tung bay giữa biển Hoàng Sa đêm giao thừa. (Ảnh: Đình Thiên).
Chủ tàu hậu cần ĐNa 90685 Lê Văn Khánh (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, tàu của anh dự kiến đến tận ngày 30 tháng Chạp âm lịch (27.1) mới nghỉ Tết. Anh đã nhận thu mua hải sản và cung ứng nguyên nhiên liệu cho 20 tàu thuyền các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam… trong dịp Tết này.
“3 năm trước, tui đã từng cho tàu xuất bến từ mùng 2. Năm đó, giữa Hoàng Sa, các ngư dân hò hét, vui mừng khi nhận được mấy lít rượu, vài thùng bia… do tui chuyển ra từ đất liền. Mỗi lần nhớ đến hình ảnh này khiến tui rất xúc động”, ngư dân Trần Ny tâm sự. |
“Mọi năm thường có khoảng trên dưới 10 tàu đánh bắt hay làm ăn với mình họ đánh bắt xuyên giao thừa. Năm nay số lượng đã tăng lên mấy lần nhưng mình chỉ nhận đảm bảo được khoảng 20 tàu mà thôi. Năm nay gặp sự cố môi trường rồi mưa gió liên miên, ngư dân thất thu lắm. Họ tranh thủ dịp Tết nhu cầu tăng mà hải sản lại khan hiếm để bù lại thu nhập”.
Anh Khánh cũng vui mừng khi con tàu hậu cần 12 tỷ đồng có công suất 1.400CV, hiện lớn nhất miền Trung mà anh mới cho hạ thủy, có dịp “thể hiện mình” trên biển Hoàng Sa dịp Tết cổ truyền.
“Tàu có trọng tải gần 100 tấn nên Tết này các tàu bạn đánh bắt trên biển không phải lo thiếu thốn hàng hóa. Các chủ tàu cứ lo việc đánh bắt, cứ báo danh sách. Cần rượu có rượu, cần bia có bia, gà vịt gì cũng có hết”, anh Khánh khẳng định.
Tàu dịch vụ hậu cần sẽ thu mua hải sản và cung cấp nguyên liệu kể cả rượu bia, bánh mứt cho tàu đánh bắt xuyên giao thừa giữa Hoàng Sa. (Ảnh: Đình Thiên)
Tham gia phiên chợ Tết trên biển năm nay còn có chủ tàu Trần Ny - ĐNa 90366 (phường Thuận Phước, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Ngư dân Ny cho hay: “Ra biển dịp Tết rất khác so với ngày thường, sướng lắm. Khi mua hải sản của các tàu, tui sẵn sàng xuống giá mạnh tay, khỏi phải kỳ kèo bớt một thêm hai. Vào đất liền thương lái cứ thế mà cho xe bốc hàng. Một phần là nhờ giá cả tăng, hải sản khan hiếm. Cái nữa là dịp Tết đến xuân về, không khí rộn ràng, lòng người thoải mái”.
Ngư dân Trần Ny cho biết, Tết này nếu các chủ tàu cần tiếp nguyên nhiên liệu hay cung ứng hàng hóa, ngay cả mùng 2, mùng 3 Tết ông vẫn sẵn sàng ra khơi.
“3 năm trước, tui đã từng cho tàu xuất bến từ mùng 2 Tết. Năm đó, giữa Hoàng Sa, các ngư dân hò hét, vui mừng khi nhận được mấy lít rượu, vài thùng bia…do tui chuyển ra từ đất liền. Mỗi lần nhớ đến hình ảnh này tui vẫn rất xúc động”, ngư dân Trần Ny tâm sự.
Chén rượu giao thừa giữa biển Hoàng Sa
Đang neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Trần Xinh (trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết, tàu anh vừa cập cảng để bán hải sản sau chuyến đi hơn 20 ngày trên biển. Chuyến này vào không có lời bao nhiêu bởi tàu cập cảng rất nhiều.
Trên biển dịp Tết Nguyên đán, các tàu sẽ tăng cường bám sát, hỗ trợ lẫn nhau. (Ảnh: Đình Thiên)
“Đã gần Tết nên thuyền viên ai cũng muốn về với gia đình cả rồi. Nhưng 4-5 tháng lại đây thời tiết khắc nghiệt quá, bão lũ liên tục nên thu nhập của tôi và thuyền viên hầu như không có. Bởi vậy tất cả đồng lòng đi chuyến biển Hoàng Sa xuyên Tết này”, anh Xinh cho hay.
Chuyến biển này anh Xinh chuẩn bị hơn 800 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. “Chi phí như thế này là cao hơn 20-30% so với những chuyến ngày thường vì mình bồi dưỡng thêm cho anh em, lấy tinh thần làm việc... Còn tiền sắm Tết cho gia đình thuyền viên ở đất liền sẽ do chủ tàu hậu cần chuyển tới tận tay. Trên biển anh em có nhu cầu gì, tui sẽ gọi điện cho tàu hậu cần chuyển ra”, anh Xinh nói.
Tàu hậu cần thu mua cá cho tàu thuyền đánh bắt trên biển Hoàng Sa (ảnh Đình Thiên).
Nhiều ngư dân khác cho biết, những ngày này sóng biển sẽ "hiền như cục đất". Vì vậy, dự kiến sẽ có rất nhiều tàu thuyền lớn nhỏ đều tập trung nhân vật lực để chuẩn bị cho những chuyến ra biển Hoàng Sa, Trường Sa hy vọng trúng luồng cá lớn.
Ngư dân Võ Tuấn Thành (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tỏ ra rất hứng khởi cho biết: Bây giờ không như ngày xưa. Hải sản có tàu mua tận nơi, hàng hóa họ cũng cung cấp đầy đủ. Giữa biển, nhưng cũng không kém đất liền là bao.
“Nhiều người cứ nghĩ gần Tết mà ở trên biển thì buồn lắm. Nhưng đó chỉ là những anh ngư dân trẻ mới ra biển thôi, chứ không hẳn là buồn đâu. Nếu ở lại đêm giao thừa thì tất cả các tàu thuyền ở gần nhau sẽ liên lạc tập trung về một chổ cùng hú còi vang cả góc trời chào năm mới. Rồi anh em quây quần chúc nhau ly rượu, dùng bộ đàm gọi về nhà chúc Tết vợ con”, ngư dân Võ Tuấn Thành hứng khởi nói.