TTVH Online

Năm 2020: Đô Lương phấn đấu thu nhập 72 triệu đồng/người/năm

Phong Cầm 15/11/2015 06:00 GMT+7

Có dịp về thăm Đô Lương (Nghệ An), ai cũng dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt nhất là hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đến các xã vùng chiêm trũng hay đồi núi đều được trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì, không ai nghĩ đây từng là huyện thuần nông nghèo khó ngày nào.

Người dân đóng góp 43% vốn

Ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Không chỉ tuyến đường tỉnh lộ hay huyện lộ mà các tuyến đường giao thông nông thôn của các xóm trong khu dân cư cũng được bê tông hóa, đặt biệt cuộc vận động cả huyện xây dựng NTM nhiều xã còn huy động được sức dân xóa bỏ đường lầy lội thay bằng đường bê tông sạch sẽ ra tận cánh đồng sản xuất”.

Nông dân xã Hồng Sơn, Đô Lương, Nghệ An làm giao thông nội đồng. Ảnh: L.V.B

Cũng theo ông Thành, để xây dựng NTM thành công và có yếu tố bền vững huyện xác định việc huy động nội lực là nhân tố quan trọng hàng đầu, khi lòng dân đồng thuận thì việc gì cũng xong. Nhưng để làm được việc này không dễ vì điều kiện kinh tế từng xã khác nhau, do đó phải có cán bộ bám địa bàn. Theo đó trong 5 năm qua, 32 cán bộ, thành viên do Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm chính triển khai xây dựng NTM; còn ở cấp xã, ngoài Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, còn thành lập ban giám sát cấp xã và ban phát triển ở các thôn xóm. Ngoài việc đốc thúc giám sát quá trình thực hiện các thành viên nắm bắt và lắng nghe ý kiến của từng hộ dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Chính vì vậy mà cuộc vận động luôn được người dân đồng tình ủng hộ từ việc hiến đất, hiến cây để mở rộng đường đến bỏ ngày công, đóng góp tiền. Từ năm 2011 đến 2015, nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình NTM của cả huyện hơn 2,7 nghìn tỷ đồng thì vốn đóng góp của dân chiếm 43%  với hơn 1,1 nghìn tỷ đồng và 93 tỷ đồng vốn do doanh nghiệp hỗ trợ.

Bộ mặt nông thôn đổi mới

Theo lãnh đạo huyện Đô Lương, nếu như không có cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các dự án thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo việc làm và tăng doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình sản xuất… thì tiêu chí quan trong nhất trong xây dựng NTM đó là thu nhập cho người dân vẫn khó thành hiện thực. Những năm qua, huyện Đô Lương đã trích hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 42 mô hình phát triển sản xuất đưa lại hiệu quả cao với sức lan tỏa ngày càng lớn như nuôi gà thả vườn theo hướng GAP, thâm canh lúa chất lượng cao.

Bộ mặt nông thôn Đô Lương nhiều đổi mới. Toàn huyện huy động được 250 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp 1.568 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và 18.011 cầu, cống dân sinh; xây dựng mới, tu sửa nâng cấp được 120 trường học các cấp với tổng kinh phí 82 tỷ đồng; xây dựng mới và nâng cấp 24 trạm y tế xã, tổng kinh phí 32 tỷ đồng...

  Một số chỉ tiêu cuộc sống của cư dân nông thôn đến năm 2020 huyện Đô Lương đặt ra: Thu nhập bình quân 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 80%, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; trên 98,5% dân dùng nước hợp vệ sinh; 85% trường học đạt chuẩn quốc gia; 60-65% làng, xóm, khối phố đạt chuẩn văn hóa.  

LƯU VĂN BÍNH
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN