Đất đồi cằn lại xen lẫn nhiều đá, độ dốc lớn, nên việc canh tác các loại cây lương thực ở đây thường kém hiệu quả. Song trên chính mảnh đất này, cây quýt cổ đã sớm “bén duyên” và mang đến cho người dân những nguồn lợi không nhỏ.
Được biết đến là một trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc (Hoà Bình) với 90% nhân khẩu là người dân tộc Mường, trước đây, đời sống của người dân Nam Sơn còn gặp khá nhiều khó khăn. Với đặc điểm đất đồi cằn lại xen lẫn nhiều đá, độ dốc lớn, nên việc canh tác các loại cây lương thực ở đây thường kém hiệu quả. Song trên chính mảnh đất này, cây quýt cổ đã sớm “bén duyên” và mang đến cho người dân những nguồn lợi không nhỏ. Với đặc điểm nổi bật là thu hoạch muộn, quả mọng nước, ít hạt, vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp, quýt bản địa Nam Sơn đã dần có vị trí trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.
Anh Đinh Văn Đứng ở xóm Bương (Nam Sơn), là một trong những hộ điển hình trong phát triển cây quýt bản địa, cho biết: Thấy giống quýt bản địa có năng suất, chất lượng tốt mà lại được giá nên anh đã chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay, gia đình đang có khoảng 500 cây quýt đã cho thu hoạch với năng suất ổn định. Riêng năm 2014, quýt được giá nên anh đã thu được trên 100 triệu đồng từ cây quýt. Ở Nam Sơn còn nhiều hộ vươn lên làm giàu cùng cây quýt bản địa như: Hộ ông Bùi Văn Lừng, Bùi Văn Nhấng ở xóm Bương, Hà Văn Hưng ở xóm Bái, Đinh Văn Bằng ở xóm Rồ…, đều có thu nhập ổn định với mức bình quân từ 30 - 100 triệu đồng/hộ/năm.
Theo ông Truyền, nhờ phát triển cây quýt cùng nhiều các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống nên người dân trong xã đã dần vượt qua nghèo đói. Từ chỗ không có đường nhựa, không có điện, nước hợp vệ sinh; hệ thống nhà văn hóa, trường học xuống cấp…, đến nay Nam Sơn đã có 60% đường liên thôn được bê tông, nhựa hóa; 70% hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 70% xuống còn trên 45% (theo chuẩn nghèo mới); thu nhập bình quân năm 2014 của xã đạt trên 9,5 triệu đồng/người/năm.