TTVH Online

Clip: Lên núi cao xem người Mông giã thứ bánh Tết dính như keo

Phong Cầm 28/12/2019 13:31 GMT+7

Người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho sự hạnh phúc và ấm no. Trong ngày Tết mà không có bánh dày thì coi như không có Tết, bởi vậy ở bất cứ nơi nào có người Mông sinh sống, công việc đầu tiên khi chuẩn bị đón Tết là phải giã bánh dày.

Clip: Đồng bào Mông ở xã Co Mạ (Thuận Châu - Sơn La) giã bánh dày đón tết Cổ truyền.

Đối với người Mông, bánh dày là món ăn không thể thiếu được khi mỗi khi Tết đến xuân về. Có mặt tại xã Co Mạ vào những ngày đầu tháng 12 Âm lịch này, khắp các bản làng, người người, nhà nhà đều vang lên tiếng chày giã bánh kêu "cắc, bụp".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Vừ Phái Chứ ở bản Pha Khuâng, xã Co Mạ, bảo: "Để làm ra  những chiếc bánh dày thơm ngon như này, chúng tôi phải dùng thứ gạo nếp cẩm trên nương tốt nhất. Đầu tiên, gạo được đãi sạch, ngâm nước 12 tiếng đồng hồ rồi cho vào chõ để nấu chín. Sau đó, các chàng trai Mông khỏe mạnh sẽ tiến hành giã bánh trước khi đón Tết".

Chày và cối giã bánh dày đươc đồng bào Mông làm bằng những loại gỗ tốt nhất, bền nhất mọc trên những dãy núi đá vôi ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, như: Lim, dổi, nghiến...

Nhân dịp vui xuân, đón tết Cổ truyền, xã Co Mạ đã tổ chức hội thi giã bánh dày nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo động lực thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán của người dân Co Mạ - nơi có truyền thống anh hùng cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và giàu lòng mến khách.

Buổi thi giã bánh dày thu hút sự chú ý đông đảo của người dân sở tại và du khách thập phương.

Sau khi hạt xôi đã mềm nhuyễn, những người phụ nữ Mông dùng tay bàn tay khéo léo của mình nặn thành từng chiếc bánh hình tròn dẹt và được bọc bằng lá dong tươi để ngăn các chiếc bánh kết dính với nhau. 

A Lử
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN