TTVH Online

Đang Tết cổ truyền của người Mông đấy, lên Sơn La xem bắt vịt

Phong Cầm 27/12/2019 19:05 GMT+7

Những ngày này, đồng bào Mông ở xã vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang tưng bừng rộn rã đón tết Cổ truyền (sớm hơn 1 tháng so với tết Nguyên đán) sau một năm lao động cần cù. Để bà con có một cái tết ý nghĩa, ấm cúng, cấp ủy, chính quyền xã Co Mạ đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ... mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Khoác lên mình bộ trang phục xúng xính truyền thống của mình, những thiếu nữ dân tộc Mông đang hăm hở đi ném trái pa pao (tiếng Mông gọi là "pó po") để tìm kiếm một nửa của mình.

Trái pa pao được thiêu bằng bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh hoặc bông vải. Chơi "pó po" là hoạt động không thể thiếu được trong ngày Tết. Từ lâu, ném pa pao đã trở thành nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của người Mông.

Trong tiết trời giá lạnh, những bông hoa đào chớm nở, báo hiệu mùa xuân đã đến.

Tiếng Mông, bánh dày gọi là “Dúa”. Người Mông quan niệm, bánh dày là biểu tượng cho sự chung thủy, tình yêu lứa đôi của các chàng trai cô gái người Mông (dính chặt với nhau như chiếc bánh dày). Trong dịp tết Cổ truyền, không có bánh dày người Mông coi như không Tết.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng tết Cổ truyền.

Trò chơi đánh tu lu - người Mông Trắng ở Co Mạ gọi là “Tầu ví vòng”. Từ lâu đánh tu lu đã trở thành một trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ, thể hiện sự khéo léo, sức mạnh của các chàng trai người dân tộc Mông.

Bên cạnh các hoạt động truyền thống, năm nay, xã Co Mạ tổ chức thêm trò chơi bịt mắt bắt vịt thu hút đông đảo du khách tham gia.

Hàng nghìn người đến từ các xã vùng cao (Co Mạ, Co Tòng, Pá Lông, Long Hẹ, Mường Bám, É Tòng) đến tham gia ngày hội.

Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, những em bé vùng cao được mẹ địu trên lưng hòa mình vào dòng người đông đúc trong ngày hội.

A Lử
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN