Dựa vào tình hình thực tế của địa phương, huyện Lạc Dương đã có những điều chỉnh phù hợp khi thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà trước hết là đầu tư hoàn thiện các sản phẩm nổi trội, có chất lượng tốt để hướng đến đánh giá, chấm điểm ở các cấp cao hơn.
Sản phẩm “sạch” đến OCOP
Nói về chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại huyện Lạc Dương, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vừa qua huyện đã phân bổ 75 triệu đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phương án mở rộng sản xuất, cụ thể là nâng cấp hệ thống bảo quản lạnh phúc bồn tử cho Công ty Dâu rừng Langbian. F (thôn Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương). Đây là 1 trong 4 cơ sở có hồ sơ tham dự đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương và có lợi thế lớn để xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng.
Bà Tôn Nữ Thanh Mỹ (vợ ông Hà) bên vườn phúc bồn tử đen được trồng theo quy trình hữu cơ khắt khe ở Lạc Dương.
Được biết, các sản phẩm từ cây phúc bồn tử của Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F đã vượt qua hơn 1.000 tiêu chí khắt khe để được chứng nhận Organic JAS của Nhật Bản. Trên diện tích hơn 2.5ha, công ty trồng hai giống phúc bồn tử nhập là đỏ và đen. Ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F đã đến tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình trồng và các công nghệ chăm sóc loại cây này ở Nhật Bản. Với tình yêu và hiểu biết về nông nghiệp, ông đã đưa giống cây nhập ngoại này trồng thành công trên đất Lạc Dương theo quy trình hữu cơ. Chất lượng đã được chứng nhận là ưu thế giúp nâng tầm sản phẩm để mở rộng và tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới.
Cơ sở này hiện đã cho ra mắt sản phẩm quả tươi và chế biến ở một số kênh bán lẻ trên thị trường. Ông Hà cho biết hiện công ty đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục để vừa đảm bảo quá trình chế biến sản phẩm nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm, vừa kịp cho ra mắt mô hình tham quan, du lịch vườn phúc bồn tử Organic.
Nằm trong danh mục 20 sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh Lâm Đồng, dịch vụ du lịch văn hóa truyền thống - du lịch cồng chiêng Lang Biang là một sản phẩm mang tính đặc trưng của Lạc Dương. Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho biết dù chưa có hồ sơ đánh giá, chấm điểm OCOP trong năm 2019 nhưng huyện sẽ hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm này tham dự chương trình trong thời gian tới.
Tạo nền tảng cho sản phẩm địa phương
Lạc Dương là một huyện có sự đa dạng về các loại hình sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Tại địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp với các loại cây – con mang tính đặc trưng, đặc sản như: cà phê Arabica, Atiso, các loại nấm, cá tầm…
Cùng với lợi thế vốn có, huyện Lạc Dương đã từng bước đa dạng hóa các mô hình sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo sinh kế cho các hộ dân; thực hiện đổi mới các hình thức sản xuất, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Tất cả đều là những nguồn lực cơ bản, nền tảng cần thiết cho các sản phẩm OCOP phát triển bền vững.
Tháng 5/2019, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đã quyết định thành lập Hội đồng OCOP trên địa bàn huyện và Tổ giúp việc cho Hội đồng nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức đánh giá, chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia chương trình trên địa bàn huyện.
Qua quá trình tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm tiềm năng, đến nay Hội đồng đã tiếp nhận được 4 hồ sơ gồm: Cà phê bột Arabica, phúc bồn tử Organic, các loại nấm, rau thủy canh. Trong thời gian tới sẽ chấm điểm đánh giá, từ đó Hội đồng sẽ lựa chọn các sản phẩm đạt 3 sao trở lên (trên 50 điểm), hoàn thiện hồ sơ gửi hội đồng OCOP cấp tỉnh để tham gia đánh giá, xếp hạng.