TTVH Online

Giao "định mức" chống tham nhũng vặt - như "dùng dao mổ trâu cắt tiết gà"?

Phong Cầm 02/08/2019 16:36 GMT+7

Công tác phòng chống "tham nhũng vặt", theo ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết hôm 31/7 vừa rồi của khu vực Cụm thi đua số 1 (tức 14 tỉnh phía Bắc) thì "còn hết sức khiêm tốn" sau 6 tháng đầu năm nay.

Tôi đọc thông tin này thì cũng nghĩ thế. Hình như chính chúng ta đang vô tình đưa ra "định mức" có phần chưa thoả đáng này xuống cấp tỉnh, thành phố, để rồi khiến cho dư luận băn khoăn, cho rằng một bộ máy tổ chức quan trọng được hình thành là như thế, vậy mà có vẻ chả khác gì việc "dùng dao mổ trâu cắt tiết gà"! 

Thế nào mà ông Phó Trưởng ban lại gọi kết quả của công tác này là “rất khiêm tốn”? 

Tôi đọc trên danviet.vn thì việc ông ấy nói như thế cũng là phải. Theo ông Thái Học, qua 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng 14 tỉnh phía Bắc đã khởi tố 33 vụ, 68 bị can về hành vi tham nhũng. Các địa phương đã thực hiện 45 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng theo chương trình công tác, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát vào các lĩnh vực công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Song, riêng về công tác phòng chống "tham nhũng vặt", Ban Nội chính tỉnh ủy 14 tỉnh, thành phía Bắc qua 6 tháng đã phát hiện, đề nghị xử lí 2 vụ án, 2 hành vi “tham nhũng vặt” và 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, đã kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền…

Như vậy nghĩa là ngay con số khiêm tốn từng giao trước đó, các địa phương cũng chưa hoàn thành. 

Với các cụm thi đua còn lại trong cả nước mà Ban Nội chính Trung ương đã “giao chỉ tiêu”, tôi đồ rằng cũng rất khó có con số vượt trội, bởi cách đây không lâu, theo tôi từng đọc trên báo thì chỉ tiêu mà ban này giao cũng không hề cao (chỉ từ 1-2 vụ tham nhũng vặt/năm).

Hội nghị chuyên đề “Tham nhũng vặt - nhận diện và giải pháp phòng chống” với sự tham gia của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy 14 tỉnh phía Bắc.

Từ câu chuyện thực tiễn tôi vừa nêu, có lẽ cũng đặt ra những băn khoăn không phải không có lý.

Chúng ta đều biết, Ban Nội chính Trung ương trong vài năm vừa qua đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng. Đây là cơ quan có bộ máy giúp việc cốt yếu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Những thành công trong gần 3 năm vừa qua trên công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là điều không thể phủ nhận. Cả nước, từ đảng viên cho tới quần chúng, tất cả đều có một sự kỳ vọng to lớn bởi những gì cả hệ thống chính trị chúng ta đã và đang vào cuộc và đã thành công nhất định. 

Điển hình cho sự thành công này có lẽ phải nhắc đến một vài vụ điển hình như Công ty Mobiphone mua bán 95% cổ phần của Công ty AVG với đầy tai tiếng, bị phát giác để rồi đến nay, nguồn tiền Nhà nước bị thất thoát do sự mua bán ma mãnh đã được thu về còn lớn hơn cả tổng tiền Mobiphone từng bỏ ra (đây là chuyện vô cùng hy hữu trong lịch sử nước nhà). 

Rồi tiếp đó là vụ kinh doanh đánh bạc qua mạng của một doanh nghiệp bình phong trong ngành công an được một số lãnh đạo cấp cao thuộc Tổng cục Cảnh sát bảo kê cũng đã bị triệt phá. Điều đáng nói, vụ việc đó lại chính do nội bộ ngành công an phát giác ra rồi xử lý. Cuối cùng thì Nhà nước cũng thu lại những nguồn thu bất chính khá lớn của bọn chủ mưu. Dù rằng, các cơ quan tố tụng vẫn chưa làm tới cùng về sự bảo kê của một số quan chức công an dính chàm có bị tịch thu tài sản nghi là có tham nhũng hay không, hy vọng nội vụ này sẽ được tiếp tục ở giai đoạn 2. 

Chỉ nội 2 vụ nổi cộm nói trên, niềm tin của đảng viên và quần chúng với Đảng, Chính phủ đã tăng lên nhanh chóng sau nhiều năm bị sa sút vì thất vọng. Vai trò này rõ ràng có được một phần cũng là nhờ vào Ban Nội chính Trung ương . 

Thế nhưng, qua việc Ban Nội chính Trung ương giao định mức có vẻ quá khiêm tốn cho các tỉnh, thành, hàng năm cần làm được 1-2 vụ "tham nhũng vặt", đến nay sơ kết cũng lại không hoàn thành, xem ra chưa thật ổn so với vai trò, nhân sự cồng kềnh của một bộ máy đang tồn tại ở địa phương mà cũng lại chính do chúng ta dựng nên. 

Theo tôi nghĩ, làm việc gì thì cũng nên có kế hoạch và hoạch định rõ chỉ tiêu cụ thể kiểu như Ban Nội chính Trung ương đưa vào "kế hoạch thi đua". Như vậy mới có kết quả rõ rệt, không chung chung. 

Song, định mức phấn đấu đặt ra cho các địa phương có lẽ cần phải cao hơn thế rất nhiều thì mới tương xứng. Chẳng hạn như mỗi tỉnh, thành cần đặt ra “định mức” phát hiện, đấu tranh, kết luận để có thể giao cho các cơ quan pháp luật xử lý thì ít nhất cũng là 1-2 vụ tham nhũng lớn, ngoài ra mới là chuyện xử lý “tham nhũng vặt” và định mức thì có lẽ cũng nên đặt ra khoảng một vài chục vụ việc ở mỗi tỉnh, thành. 

Con số tôi đề xuất này tương đương với mỗi cấp sở, quận, huyện khoảng 1 vụ năm). Tóm lại, chỉ tiêu hiện nay của mỗi tỉnh, thành cần đạt chỉ ngang với cấp quận, huyện, thị xã.

Không lẽ các địa phương lại "khan hiếm tham nhũng" và không thực hiện nổi định mức đó sao?

Giao định mức và thực hiện quyết liệt, chúng ta mới hy vọng ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, tham những ngày một tinh vi, trắng trợn từ dưới cơ sở như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp và người dân đều có thể cảm nhận trong bộ máy của hệ thống chính trị hiện hành, hiện tượng tham nhũng vặt hết sức lớn, rất dễ nhận biết mà chỉ tiếc là không có bằng chứng. Người dân muốn xây một ngôi nhà nhỏ nhưng thêm tầng thì làm sao yên được với chính quyền phường, xã? Chả vậy mà vừa rồi, hàng trăm cán bộ ngành thanh tra xây dựng ở TP.HCM bị xử lý, vậy mà bộ máy ấy đâu đã sạch sẽ!  

Hãy nhìn hiện tượng "tham nhũng vặt" bắt đầu từ ví dụ nói trên để thấy, nếu chúng ta chỉ đạo quyết liệt thì đâu tới mức tìm mãi cả tỉnh vẫn không ra ...

Hiện tượng tham nhũng trong bộ máy công quyền hiện nay xuất hiện ở hàng trăm lĩnh vực khác nhau, nhưng thường xuyên nhất là ở những lĩnh vực như chạy chức, chạy quyền (tham nhũng quyền lực). Năng lực hạn chế, phải chạy chức, chạy quyền thì mới có được vị trí này nọ, họ sẽ tìm mọi cách “thu hồi vốn" mà họ từng bỏ ra bất chấp đạo đức. Vì thế, bên cạnh sự dốt nát bởi thực lực kém nên muốn “chạy”, nó sẽ tàn phá đất nước rất đáng sợ. Nó thậm chí còn tạo nên cả một lớp cán bộ cùng một "cạ", chỉ muốn kiếm chác từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc của bất kể ai muốn nhờ vả họ. Đây là điều rất tệ hại, có thể sẽ cản trở xã hội phát triển lành mạnh.

Thứ nữa là tham nhũng nhờ luật pháp hiện hành, nhờ cơ chế chính sách còn lỏng lẻo mà điển hình nhất là từ vấn đề đất đai. Những lỗ hổng của ngay chính Luật Đất đai đang giúp người ta “ăn” đất rất dễ dàng. Có những nhóm lợi ích gồm các quan tham và các chủ doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng tối đa các cơ hội do lỗ hổng của hệ thống luật để biến công sản thành tư sản.

Và còn một thứ tham nhũng nữa cũng cực kỳ nguy hiểm, đó là tham nhũng trong quá trình cổ phần hoá DNNN, đầu tư hạ tầng cũng như xây dựng cơ bản, đấu thầu các loại trong đó có xây dựng các dự án nhà máy, xí nghiệp. Cứ lấy ví dụ điển hình như 12 dự án thuộc Bộ Công Thương vừa rồi phải cơ cấu lại thì đủ biết, chính sự thiếu minh bạch và khoa học trong đầu tư đã khiến hàng chục doanh nghiệp này sống dở chết dở và càng ngày càng sa lầy trầm trọng hơn...

Những gì Ban Nội chính Trung ương góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thành công việc của mình là điều không thể phủ nhận. Nếu cơ quan tham mưu của Đảng mạnh tay hơn nữa khi ra định mức xử lý tham nhũng nghiêm trọng và tham nhũng vặt cho cấp tỉnh, thành phố thì ngay từ cuối năm nay, đề nghị nên sớm điều chỉnh định mức sao cho quyết liệt hơn. Cần tin rằng, đó không phải là điều quá khó khi ra một ngã tư đầu phố một lúc là cũng đã thấy tiêu cực. Không có lý gì cả hệ thống chính trị địa phương lại yếu kém đến mức toàn "dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà". 

Quốc Phong
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN