Nguyễn Kim Ngọc (26 tuổi, quê Thái Bình) có hơn 2 cây vàng hồi môn. Cô bối rối khi mẹ chồng và chồng gợi ý đưa số vàng cho bà giữ hộ.
"Em có nên đưa vàng hồi môn cho mẹ chồng giữ hộ", câu hỏi mà Nguyễn Kim Ngọc đặt ra trong một nhóm kín thu hút hàng ngàn bình luận.
Ngọc kết hôn được hơn 2 tuần. Vừa trở về sau chuyến trăng mật, trong bữa cơm tối, mẹ chồng cô đề nghị đưa vàng cho bà giữ. Bà giải thích, hai vợ chồng cô còn trẻ, tính không cẩn thận, chưa biết quản lý tiền bạc, chi tiêu.
"Trong lúc tôi đang bối rối vì thực lòng không muốn ai cầm tiền vàng của mình, chồng tôi đã vội vàng lên tiếng ủng hộ mẹ. Anh quay sang tôi nói: "Để bà giữ hộ vàng cho yên tâm em ạ", Ngọc kể.
Vợ chồng Ngọc được bố mẹ, họ hàng đôi bên mừng cưới hơn 2 cây vàng. Trong đó, mẹ chồng tặng cô chiếc kiềng 5 chỉ. Ngọc dự định sẽ sắm két sắt để cất vàng, tiền cưới cũng như tiền tiết kiệm hàng tháng. Cô tự tin vào khả năng quản lý tài chính của mình.
Ngọc không muốn đưa vàng cho mẹ chồng, song lại sợ mẹ chồng phật ý, nghĩ cô không tin bà, vô tình tạo ra mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu.
"Hai hôm nay, tôi vờ như quên lời đề nghị của mẹ chồng để trì hoãn việc đưa vàng cho bà. Mới làm dâu được 2 tuần, tôi và mẹ chồng không có khúc mắc gì. Tôi cũng yêu quý và tin tưởng bà. Tôi tin bà muốn giữ gìn tài sản cho vợ chồng tôi.
Tôi cũng tự hỏi mình có nên thuận theo ý mẹ chồng hay không.
Chồng khuyên tôi không nên suy nghĩ sâu xa. Vàng vẫn là của tôi, chỉ là thay vì gửi két sắt, ngân hàng, tôi gửi... mẹ chồng.
Tuy vậy, tôi không thấy thoải mái cho lắm khi tiền bạc của mình mà mình lại không được giữ. Tôi cũng giận chồng vì không hỏi ý tôi đã vội nhận lời với mẹ, đặt tôi vào thế khó xử", Ngọc tâm sự.
Đáng chú ý, phần đa bình luận xung quanh câu chuyện đều là lời khuyên Ngọc không nên đưa vàng cho mẹ chồng.
Nguyễn Phương Mai (35 tuổi, Hưng Yên) cho biết, cô từng đưa vàng cho mẹ chồng giữ với những lý do giống mẹ chồng và chồng của Ngọc nói.
10 năm sau, vợ chồng cô muốn mua một mảnh đất để ra ở riêng, cô xin lại số vàng hồi môn thì mẹ chồng đáp "hiện giờ mẹ không có".
"Bà nói như thể tôi đang vay vàng bà chứ không phải xin lại tài sản của tôi mà bà nhận giữ hộ. Bà bảo bà phải lo cho vợ chồng tôi nhiều việc, phải trả tiền cỗ cưới, sửa soạn buồng cưới, lo ngoại giao cho chồng tôi chuyển việc…
Tôi nói số tiền bà lo cho chồng tôi chuyển việc là bao nhiêu, số tiền sửa phòng cưới là bao nhiêu, tôi xin trả lại phần đó. Cỗ cưới đã có tiền mừng bù lại. Ở quê đám cưới không lỗ bao giờ vì đều làm tại nhà. Còn số vàng hồi môn mà bố mẹ tôi, cô dì chú bác tôi dành dụm cho tôi đi lấy chồng, tôi xin bà gửi lại.
Vậy là bà nổi giận, khóc lóc, mắng tôi láo. Chồng tôi ngồi đó không dám nói gì", Mai kể kinh nghiệm đau thương.
Cô nói thêm: "Tiền vàng phải giấu ở vành váy của mình, tuyệt đối không nên đưa cho ai giữ hộ, càng không đưa mẹ chồng. Bởi nếu rủi ro xảy ra, bạn sẽ không đòi được, không kiện được vì đó là mẹ của chồng bạn, bà của con bạn".
Định kiến nghiệt ngã chuyện mẹ chồng giữ vàng
Nhà tham vấn tâm lý Trần Thị Huyền Trang cho rằng không có đáp án chung cho câu hỏi nên hay không nên đưa vàng cho mẹ chồng giữ.
"Điều này thuộc về lựa chọn cá nhân, tính cách và mối quan hệ của mỗi cặp mẹ chồng - nàng dâu", bà Trang nhận định.
Bà Trang nói: "Người ngoài cuộc không có đủ thông tin để đưa ra lời khuyên. Nếu nàng dâu không muốn gửi, cô ấy cần liệt kê những lý do. Cô sợ mẹ lấy mất, sợ không được tự chủ việc mua bán hay những nỗi sợ khác.
Còn nếu cô ấy cân nhắc muốn gửi, cô ấy cũng cần đánh giá rủi ro: tính cách mẹ chồng thế nào, cách quản lý tài sản gia đình của bà có ổn không, các mối quan hệ ruột thịt nhà chồng có lành mạnh không, tình cảm giữa họ ra sao…
Dựa trên những đánh giá đó, người trong cuộc tự đưa ra quyết định nên hay không nên".
Nữ chuyên gia tâm lý cũng chỉ rõ thực tế, có những rào cản, định kiến không dễ xóa bỏ dành cho các nàng dâu nếu lựa chọn từ chối đưa vàng cho mẹ chồng giữ. Phải nói gì, nói như thế nào để mẹ chồng không phật ý phụ thuộc vào văn hóa mỗi gia đình cũng như nhân cách cá nhân?
"Tuy vậy, nguyên tắc chung là nên giao tiếp thẳng thắn trong hòa bình, trình bày rành mạch lý do tại sao không muốn và nhấn mạnh sự tự chủ, độc lập của bản thân với tư cách người trưởng thành", bà Trang nêu quan điểm.
Bà Trang cũng khuyến cáo chị em phụ nữ không nên đánh giá mẹ chồng trong câu chuyện đề nghị con dâu đưa vàng. Không ít trường hợp lời đề nghị thực sự xuất phát từ mối quan tâm, yêu thương con cái. Ngoài ra, ở nhiều vùng quê, việc mẹ chồng giữ vàng hộ con dâu còn là tập tục, thói quen, truyền thống gia đình.
"Từ xưa, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã chịu nhiều định kiến và tai tiếng. Do đó, vội vàng đánh giá mẹ chồng khi chưa có đủ thông tin sẽ vô tình tạo ra nghi kị, mâu thuẫn và khiến cho hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng", bà Trang khuyên.