Nỗi khổ của nhũ mẫu chăm sóc hoàng tử, công chúa Trung Quốc xưa
Phong Cầm
29/04/2024 20:30 GMT+7
Ở Trung Quốc thời phong kiến, các nhũ mẫu chăm sóc hoàng tử, công chúa thay vì cho mẹ ruột nuôi dưỡng. Nhũ mẫu tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt như không được ăn muối, nước tương, không được gặp gia đình...
Trong xã hội phong kiến ở Trung Quốc, hoàng hậu và các phi tần không thể tự tay chăm sóc con cái. Thay vào đó, nhũ mẫu chăm sóc hoàng tử, công chúa.
Ngay sau khi chào đời, các con của hoàng đế sẽ được giao cho nhũ mẫu chăm sóc. Họ sẽ cho các hoàng tử, công chúa bú sữa của mình.
Theo đó, nhũ mẫu thường là những phụ nữ mới sinh con khoảng 1 - 3 tháng, cơ thể khỏe mạnh, không mắc bệnh tật truyền nhiễm để đáp ứng công việc nuôi dưỡng hoàng tử, công chúa. Đa số nhũ mẫu trong độ tuổi khoảng 15 - 20 và không biết chữ.
Để có nguồn sữa đủ chất dinh dưỡng và sạch, nhũ mẫu phải tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt theo quy định của hoàng cung.
Trong số này có việc, nhũ mẫu không được ăn muối hay nước tương để đảm bảo sữa mẹ có chất lượng tốt nhất.
Để đảm bảo không bị kẻ gian lợi dụng hoặc đe dọa đến sự an nguy của hoàng tử, công chúa, nhũ mẫu không được tự ý xuất cung sau khi vào hoàng cung làm việc.
Thêm nữa, nhũ mẫu không được liên lạc với gia đình. Theo đó, họ thường cắt đứt liên lạc với người thân trong vài năm, thậm chí hàng chục năm.
Do vào cung chăm sóc con cái của thiên tử nên nhũ mẫu không thể nuôi dưỡng con của mình.
Nhũ mẫu phải xa con đẻ của mình trong nhiều năm. Điều này đồng nghĩa với việc những đứa trẻ này chào đời không nhớ mặt mẹ, chưa từng được mẹ ôm ấp, nuôi nấng. Thậm chí, nhiều trường hợp nhũ mẫu chưa kịp cho con bú sữa mẹ lần nào đã phải vào cung.
Do vậy, nhũ mẫu chịu nỗi khổ khó nói khi phải chia cắt với con đẻ trong nhiều năm. Nỗi đau buồn của họ không ai có thể hiểu hay san sẻ.
Tâm Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN